Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

BÀI 3: VĂN HOÁ ẨM THỰC

Trong bài diễn văn đọc tại FAO (Tổ Chức Lương Thực Và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc) ngày 01 tháng 07 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói rằng thế giới hôm nay không thiếu lương thực, nhưng chỉ thiếu lòng quảng đại. Nhiều người đang sống trong sự nghèo đói vì lòng ích kỷ vẫn còn lớn nơi con người[1].

Nhận định này của Đức Giáo Hoàng Bê-đíc-tô XVI gợi lên một vấn đề xã hội: tinh thần liên đới trong đời sống con người - một giá trị nền tảng xây dựng thế giới huynh đệ và nhân bản. Tuy nhiên, bài viết này không muốn bàn luận chủ đề rộng lớn của tinh thần liên đới, nhưng chỉ đề cập một vài nét văn hoá ẩm thực. Một cách cụ thể, bàn ăn là nơi biểu lộ mối tương quan mang tính nhân văn.

1- Bàn ăn: nơi của sự gặp gỡ

Chúng ta nhận thấy nhiều hình ảnh tương phản trong thế giới hôm nay. Một trong những hình ảnh tương phản này là thế giới dồi dào của cải vật chất do con người làm ra, nhưng nhiều người lại không còn thời gian dành cho những bữa ăn của mình một cách đúng mức. Có người không còn lấy làm quan trọng những bữa ăn. Có lẽ đó cũng là lý do làm phát triển văn hóa fastfood.

Một khía cạnh ngược lại: đối với những người khác giá trị của bữa ăn được đo lường bởi chính những gì được trình bày trên bàn ăn. Người ta đánh giá bữa ăn qua việc mình có thực sự được ăn một cách đầy đủ hay không.

Quả thực, bàn ăn không chỉ là nơi mà chúng ta chỉ chú trọng tới việc thoả mãn nhu cầu thưởng thức thức ăn mà còn là nơi gặp gỡ giữa những người đồng bàn. Gặp gỡ tạo sự hiểu biết và mối tương quan lẫn nhau. Mối tương quan này nhiều lúc có sức biến đổi con người.

2- Bàn ăn: nơi của sự chia sẽ

Những xung đột, tranh chấp, chiến tranh nhiều lúc đến từ "cái bụng" của con người. Quyền lợi chính yếu có lúc được đặt trên bàn ăn. Điều này cũng dẫn đến việc sống ích kỷ.

Bàn ăn là nơi của sự chia sẽ một cách cụ thể và hoàn hảo nhất trong mối tương quan con người. Câu ngạn ngữ Việt Nam: "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" được đúc kết từ kinh nghiệm khôn ngoan mang tính văn hóa và đạo đức của những bậc tiền bối. Việc chia sẽ và phục vụ nhau biểu lộ hình ảnh của một thế giới đại đồng và một cộng đoàn huynh đệ.

3- Bàn ăn: nơi của lòng hiếu khách

Bàn ăn không thể là nơi để phần biệt tầng lớp, cấp bậc và địa vị xã hội (cho dù chúng ta vẫn thấy điều đó xảy ra một cách phổ biến). Sự phân biệt này dẫn đến việc đánh giá những giá trị con người theo những tiêu chuẩn chủ quan.

Bàn ăn là nơi mà mọi người đón nhận và được đón nhận lẫn nhau một cách trân trọng: chủ cũng là khách và khách cũng là chủ. Bàn ăn là nơi của lòng hiếu khách. Hình ảnh này gợi nên viễn cảnh của "một thế giới mới" mà Ki-tô giáo hướng tới là "không còn phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do" trong Đức Giê-su Ki-tô.

Trần Văn Khuê






[1] http://www.zenit.org/article-32993?l=english

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

BÀI 2: VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Nói tới chính trị chúng ta nói tới một lãnh vực khá phức tạp và nhạy cảm. Nó có thể gây bất đồng nơi nhiều người từ những lý thuyết, quan điểm và thực tiễn: bất đồng về tư tưởng, về các đường lối chính sách và về việc phân chia quyền lực. Chính trị nhiều lúc cũng bị biến tướng và thao túng: nó tạo lập những tập đoàn quyền lực làm khuynh đảo đời sống xã hội.  

Như vậy, phải chăng chính trị là cái gì đó đối kháng trong mối tương quan với đời sống con người? Và bởi vì nó đối kháng nên bất cứ ai muốn trở thành một người tốt thì phải trở thành phi chính trị? Hay phải chăng chính trị chỉ là công việc riêng biệt thuộc một bộ phận tầng lớp nắm quyền trong xã hội?

Theo triết học chính trị, khái niệm về chính trị được hiểu như sau:

Trước hết, chính trị nói tới đời sống dân sự, nghĩa là phạm vi của một xã hội được cơ cấu tổ chức.

Tiếp đến, chính trị nói tới hiến pháp và những gì liên quan tới cơ cấu và sự vận hành của một cộng đồng, của một xã hội hay một nhóm xã hội (về phương diện lý thuyết, phương pháp cũng như thực hành).

Cuối cùng, chính trị nói tới nghệ thuật lãnh đạo và việc thực hành quyền lực qua các đại diện đảng phái chính trị khác nhau.

Từ những định nghĩa này chúng ta thấy vai trò của đảng cầm quyền chỉ đóng một phần trong sinh hoạt chính trị của một xã hội dân sự qua việc lãnh đạo và thực hành quyền lực. Một đảng phái chính trị không thể là toàn bộ đời sống chính trị. Hơn nữa, nó không có đặc quyền áp đặt và thống trị đời sống dân sự một cách thiếu dân chủ và tự do.

Quả thực, theo truyền thống triết học chính trị Hy-Lạp Cổ mà Socrate, Platon và Aristote là những gương mặt tiêu biểu, chính trị được hiểu như hoạt động tự nhiên và những sinh hoạt đạo đức trong đời sống con người. Triết học chính trị Platon đặt vấn đề về điều thiện trong đời sống chính trị và nhấn mạnh tầm quan trọng của những lối sống nhân bản của từng cá nhân cũng như vai trò của giáo dục. Đối với Platon triết học chính trị không thể tách rời với đạo đức học (triết học đạo đức). Riêng với Aristote, con người được sinh ra để sống trong một cộng đồng chính trị. Chính trị là một khía cạnh tự nhiên của đời sống con người.

Truyền thống chính trị này của Hy-lạp Cổ cho chúng ta thấy chính trị không phải là một ý thức hệ, hơn thế nữa không phải là một chủ nghĩa không tưởng. Chính trị gắn liền với đời sống sinh hoạt của từng con người trong một cộng đồng nhân loại chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố văn hoá và tôn giáo khác nhau. Nó là cuộc sống con người.

Trở lại với bối cảnh xã hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy chính trị chỉ được hiểu một cách giới hạn trong phạm vi của đảng cầm quyền đối với nhiều người. Đảng cộng sản – đảng phái chính trị duy nhất cầm quyền là toàn bộ biểu tượng của đời sống chính trị. Với tư cách lãnh đạo, Đảng chi phối những cơ quan quyền lực như lập pháp, hành pháp, tư pháp và những vực hoạt động chính trị thông thường khác. Nhiều lúc nó giới hạn những quyền tự nhiên của những công dân là những chủ thể chính trị. Điều này trái ngược với một nền triết học chính trị nhân bản.

Mặt khác, chính trị tại Việt Nam hiện tại cũng được hiểu theo ý thức hệ mà việc đấu tranh giai cấp là chủ đạo. Về vấn đề đấu tranh giai cấp, Đức Hồng Y Ratzinger trong cuốn sách: Tình huynh đệ Ki-tô Giáo, nói rằng nhiều người lầm tưởng chủ thuyết Mác-xít đưa con người tới một thế giới đại đồng. Nhưng thực chất, xét về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, nó làm phân hóa thế giới qua việc đấu tranh giai cấp: bạn và thù là hai thực thể không thể dung hòa trong đời sống xã hội.

Nói tóm lại, nền chính trị chân chính mang tính văn hóa. Bởi lẽ, nó là một trong những sinh hoạt thông thường và tự nhiên của từng cá nhân trong đời sống xã hội. Chính trị là những gì làm cho mọi con người sống chung với nhau một cách công bằng và dân chủ qua các khế ước và bằng tình huynh đệ và tự do trong một cộng đồng xã hội. Chính trị hoàn toàn mang tính đạo đức.

Kỳ tới: Văn hoá ẩm thực

Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Văn hóa và đạo đức là hai yếu tố có mối tương quan nội tại trong đời sống con người. Bởi lẽ, văn hóa nói tới những khía cạnh đời sống, cũng như những giá trị tinh thần và vật chất mang tính phổ quát hay riêng biệt, được xác định thuộc về một quốc gia, một cộng đồng. Nó được hình thành trong truyền thống tinh thần và tri thức, cũng như tiến trình phát triển đời sống kinh tế và xã hội của một cộng đồng mà trong đó yếu tố đạo đức vừa là tác nhân vừa là kết quả. Văn hóa, vì thế, mang tính đạo đức.
Chính vì thế, điều thú vị đối với  chúng ta là nhìn lại những nét văn hóa trong đời sống xã hội. Công việc này nhắm tới mục đích đưa xã hội chúng ta tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong khi chất vấn những lối tư duy và hành động của những con người.
Chúng ta sẽ lần lượt đưa lên diễn đàn từng khía cạnh văn hóa khác nhau trong đời sống xã hội Việt Nam nhằm khơi dậy nơi mọi người ý thức về  tầm quan trọng của việc giáo dục con người toàn diện và nhận thức về việc xây dựng một cộng đồng nhân loại tốt hơn.

BÀI I: VĂN HÓA ĐI ĐƯỜNG

Một trong những hình ảnh nổi bật đập vào mắt không chỉ của những du khách ngoại quốc mà còn của những người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn, là cung cách đi đường của phần đông người Việt Nam. Đó là một hình ảnh kỳ thú, lạ lùng đối với ông Tây bà Đầm và làm phiền lòng đối với nhiều người Việt.
Ai trong chúng ta lại không thấy cảnh chen lấn, tranh giành, cũng như bất chấp luật giao thông diễn ra mỗi ngày trên mọi đường phố. Người ta ít tìm thấy một chút sự lịch lãm như việc nhường đường, xin đường hay xin lỗi nhau mỗi lúc gặp sự cố. Dồn dập và tranh giành nhau quyền đi trước, đi cắt ngang, đi ngược chiều như thể người ta phải vượt qua những chướng ngại vật trong một cuộc chiến đấu đầy cam go và cần dùng sức mạnh, cũng như bất chấp tất cả để đạt tới đích.
Từ thực tế này nhiều người đã đặt câu hỏi về nếp sống văn hóa của người Việt, cũng như kết quả của việc giáo dục. Một nền văn hóa đề cao tính nhã nhặn, lịch thiệp và một nền giáo dục đề cao tính đạo đức ưu việt của chủ thuyết Mác-xít xem chừng không thể giúp đào tạo con người văn minh, “con người mới xã hội chủ nghĩa” – con người vươn tới đỉnh cao đời sống xã hội.

Quả thực, văn hóa đi đường phản ánh một phần tính chất đạo đức của đời sống xã hội – một vấn đề được quan tâm nhiều ngày hôm nay. Chúng ta đề cập tới một số chiều kích đạo đức từ phần văn hóa này.
Trước hết, tính chất đạo đức trong mối tương quan với người khác. Nói tới đời sống xã hội là chúng ta nói tới những mối tương quan giữa những con người sống chung với nhau trong cùng một cộng đồng. Đời sống chung này được đặt trên nền tảng của việc tôn trọng những người khác. Đây chính là thước đo đánh giá về sự phát triển của một cộng đồng. Sống đời sống đạo đức không hẳn chỉ là một đời sống không bị mang tai tiếng, nhưng còn là một đời sống trong mối tương quan với những người khác. Mối tương quan được diễn đạt trong văn hóa đi đường là những cách cư xử nhân bản và ý thức người khác cùng đồng hành. Hơn nữa, trong đời sống chung, không ai có quyền tự cho mình cái đặc quyền như việc phải đi trước người khác (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt).
Tiếp đến, tính chất đạo đức trong việc tuân thủ luật. Đời sống chung không chỉ được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng nhau mà còn trên luật pháp. Việc tuân thủ luật cho phép mọi người sống chung với nhau trong cùng một cộng đồng một cách công bằng và trong sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có thể tưởng tượng một xã hội vô luật pháp hay luật pháp không có khả năng đảm bảo cho mọi người sống chung với nhau trong công lý và hòa bình, bác ái và sự thật như thế nào. Đó là một xã hội tùy tiện (hành xử tùy thích) và có nguy cơ hình thành “giai cấp”: kẻ mạnh là kẻ thắng và kẻ thắng là kẻ có quyền lực.
Cuối cùng, tính chất đạo đức trong việc xây dựng điều tốt chung. Điều tốt chung hay công ích là đặc tính của một xã hội văn minh. Việc đảm bảo an toàn giao thông là một trong những công ích mà mọi người phải đảm nhiệm. Người ta sẽ không bao giờ có khả năng xây dựng những công ích nếu mỗi người chỉ biết lo cho chính mình. Ở trong bất cứ xã hội nào thì tinh thần liên đới vẫn là một giá trị nền tảng xây dựng xã hội nhân bản. Tinh thần liên đới trong văn hóa đi đường được biểu lộ qua những cử chỉ ưu tiên, từ tốn, đảm bảo sự an toàn của người khác.
Kỳ tới: Văn hóa chính trị

Trần Văn Khuê