Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

Xin gửi tới quý độc giả đoạn trích từ cuốn sách : NHỮNG ĐIỂM TỰA LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO

“…. Trong số những vấn đề được quan tâm nhiều nhất đó là nền giáo dục mất định hướng và ảnh hưởng của chủ thuyết vô thần. Đây là những thực trạng nghiêm trọng của xã hội Việt Nam đương thời. Hai yếu tố này xem chừng mang tính “biện chứng” với nhau : một nền giáo dục mất định hướng được xây dựng trên chủ thuyết vô thần và chủ thuyết vô thần xây dựng nền giáo dục chống giáo dục.

Trước hết, nền giáo dục mất định hướng. Một trong những vấn đề xã hội hiện nay được nhiều tầng lớp xã hội quan tâm là nền giáo dục mất định hướng của Việt Nam. Hệ thống giáo dục từ tiểu học tới đại học đã nhiều lần được cải cách, nhưng nhiều người nhìn nhận có nhiều bất ổn trong hệ thống giáo dục của nước nhà. Trong số những người lên tiếng một cách chính thức và công khai về những vấn nạn giáo dục có các nhà cách mạng, giáo sư, nhà văn…. Trong cuốn Những vấn đề giáo dục hiện nay, do nhà xuất bản Tri Thức phát hành 2007, tập hợp những gương mặt này. Chúng ta chú ý trước tiên tới những nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp : “Nền giáo dục và đào tạo của nước nhà vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, từ việc xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, đội ngũ thầy giáo, hệ thống tổ chức cho đến công tác quản lý”[1]. Những nhận định này không gay gắt nhưng bộc lộ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những “bất cập” của nền giáo dục Việt Nam : “việc xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục đào tạo”. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về sự mất định hướng của nền giáo dục Việt Nam là việc xác định sai “triết lý giáo dục”. Đối với nhà văn này, “nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục : ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì ? […]. Thật vậy, đang có vấn đề, có vấn đề lớn ở ngay câu hỏi cơ bản : bằng nền giáo dục này, chúng ta đang muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây ? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo, cho một xã hội trong đó mọi sự đều được chỉ huy tập trung răm rắp, một xã hội trong đó có ai đấy, một lực lượng hay một tổ chức, một người hay một số người nào đấy suy nghĩ sẵn mọi điều cho mọi người và mọi người cứ thế học thuộc lòng và làm theo”[2]. Còn nữa, khi bàn về nội dung chương trình triết học được giảng dạy tại các trường, nhà văn Nguyên Ngọc viết : “Như chúng ta đều biết, những môn học thuộc phần gọi là chính trị, gồm Triết học Mác Lê-nin, Chính trị kinh tế học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay chiếm một phần năm thời gian học ở các cấp. Xin nói ngay rằng tôi nghĩ học triết học Mác Lê-nin là cần thiết, các môn học vừa kể trên cũng có thể là cần thiết. Nhưng tại sao, ít nhất là ở cấp đại học, lại không dạy và học triết học nói chung, lịch sử triết học, cả phương Đông lẫn phương Tây, trong đó có triết học Mác Lê-nin. Triết học Mác Lê-nin có thể là đỉnh cao của triết học, nhưng chắc chắn không là triết học duy nhất của nhân loại, cũng không phải là triết học cuối cùng trong lịch sử của nhân loại. Không biết một cách cơ bản lịch sử triết học của nhân loại thì ngay để hiểu chính triết học Mác Lê-nin cũng sẽ là què quặt, cạn cợt. Vả chăng cũng cần phải nói thật rằng cách dạy chủ nghĩa Mác Lê-nin trong các trường của chúng ta hiện nay đúng ra không thật sự là dạy triết học, mà chỉ là dạy chính trị một cách khá thô thiển”[3].

Những nhận định trên đây chắc chắn đáng cho mọi thành phần trong xã hội Việt Nam quan tâm. Quan tâm ở đây không phải bằng thái độ bài xích một nền giáo dục, nhưng cần nhìn nhận một cách khách quan “triết lý” giáo dục hiện tại, nhằm có một hướng đi đúng đắn cho việc giáo dục.

Về phía những người Công Giáo, năm 2009, Câu lạc bộ Phao-lô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức một cuộc hội đàm về vấn đề Giáo dục Việt Nam[4]. Các chuyên viên thuyết trình gồm những người Công Giáo và không Công Giáo. Khởi đi từ những nhận định trong cuốn Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm & giải pháp (NXB Tri Thức, 2007), các thuyết trình viên đều có cùng nhận định : nền giáo dục Việt Nam hiện nay yếu kém, bất cập, mất định hướng, thiếu triết lý giáo duc…. Thậm chí nhà văn Nguyên Ngọc còn cho rằng : “Vào khoảng 1957-58, vì những quan niệm sai lầm, chúng ta đã phá tan nền đại học đó (một nền đại học rất đàng hoàng, được xếp cấp bậc so với các nước khác). Từ đó về sau có thể nói không thật sự có đại học nữa, bản chất của đại học đã mai một, như có người nói, chỉ còn phổ thông cấp bốn. Từ hiện tượng đại học xuống cấp đã lan dần xuống, đến toàn bộ nền giáo dục”[5]. Đâu là những nguyên nhân tạo nên cuộc khủng hoảng của nền giáo dục hiện nay và gây nên những hệ luỵ xã hội nghiêm trọng ? Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, lúc bấy giờ là linh mục Dòng Đa-minh, cho rằng “nguyên nhân cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước ta là do cái “triết lý Giáo dục” vừa lạc hậu, vừa mất định hướng”[6]. Trong bài tham luận của mình, nhà văn Nguyên Ngọc cũng chia sẻ nhận định này : “Chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng ! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục”[7].

Như vậy, chúng ta có thể hình dung được những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay : “lạc hậu” và “lạc hướng”. Chúng ta có thể tiếp tục đặt câu hỏi : nền giáo dục “lạc hậu” và “lạc hướng” như thế nào ? Có lẽ những câu hỏi của nhà văn Nguyên Ngọc gợi ý cho chúng ta những câu trả lời về nền giáo dục “lạc hậu” và “lạc hướng” này : “Với nền giáo dục này chúng ta đang định làm gì đây ? Mục đích của nó là gì ? Hoặc cụ thể hơn nữa : với nền giáo dục này chúng ta định đào tạo ra những con người như thế nào ?”[8] 

Tiếp theo những câu hỏi của mình, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng nền giáo dục này đang “ráo riết đào tạo ra những con người học thuộc lòng”. Hay nói cách khác, giáo dục đào tạo những con người “giáo điều”. Tuy nhiên, ngoài nhận định chính xác này, chúng ta cần phải nhìn nhận một sự thật khác phía sau những chủ trương cải cách giáo dục : mục tiêu của nền giáo dục hiện nay đang muốn đào tạo những con người “vô sản” trong thời kinh tế thị trường và toàn cầu hoá. Đó là cái được gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hơn thế nữa, lý do sâu xa nhất của cuộc khủng hoảng của nền giáo dục hiện nay : nền giáo dục được xây dựng trên chủ thuyết vô thần. Đó là lý do làm cho nền giáo dục mất định hướng. Mất định hướng ở đây không phải là thiếu nhận thức về những ngành khoa học mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế mà thiếu những nền tảng giá trị nhằm giáo dục con người toàn diện. Không biết là một cách tình cờ hay chủ ý mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói tới cuộc khủng hoảng giáo dục bằng những cụm từ “xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục”, hay như câu hỏi của nhà văn Nguyên Ngọc : “Với nền giáo dục này chúng ta định đào tạo ra những con người như thế nào ?” Một sự trở lại gần đây với những cội nguồn dân tộc như là một nỗ lực nhằm khoẩ lấp khoảng trống vô tận trong lòng dân tộc do chủ thuyết vô thần gây ra, một thứ chủ thuyết mà lúc này người ta không thể dễ dàng vứt bỏ và mong đem lại cái hồn cho dân tộc nói chung và nền giáo dục nói riêng.

Chúng ta đã nói nền giáo dục mất định hướng và chủ thuyết vô thần mang tính “biện chứng” với nhau. Chủ thuyết vô thần ảnh hưởng tiêu cực trên nền giáo dục và kéo theo những hệ luỵ xã hội. Chưa có một đánh giá chính thức nào lượng giá những ảnh hưởng của chủ thuyết vô thần, nhưng phần lớn dân chúng Việt Nam thừa nhận một sự suy thoái đời sống đạo đức, nhân bản trong xã hội Việt Nam. Những tệ nạn xã hội minh chứng cho điều đó : gian lận trong đời sống xã hội cũng như trong lãnh vực giáo dục, tham nhũng, phá huỷ môi trường thiên nhiên, thiếu ý thức về ích lợi và của cải chung, sống thiếu trách nhiệm đối với thế hệ tương lai khi chỉ lo cho lợi ích của mình lúc này và nơi đây …. Đâu là những nguyên nhân ? Có người cho rằng do chiến tranh và nghèo đói nên người dân của mình chưa thể vươn tới đời sống cao thượng hơn. Nhưng cái nghèo có thể làm cho con người mất sự tự trọng và ý thức về những giá trị nhân văn ? Hay chủ thuyết vô thần đã làm xơ cứng nhiều người : con người chỉ tồn tại chứ không phải sống ?

Trong bối cảnh xã hội của các nước Tây phương vào thế kỷ XIX, khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển quá nhanh tạo nên một xã hội hoàn toàn khác và làm xuất hiện giai cấp lao động công nghiệp. Nhiều lúc giai cấp này phải sống và làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn. Chính trong bối cảnh này, Các Mác đứng lên làm cách mạng và đứng về phía công nhân.  Mác muốn xây dựng một vương quốc lý tưởng trong việc xây dựng con người duy vật vô sản. Sau này Lê-nin tiếp tục theo đuổi xây dựng những con người vô sản vô thần. Họ chiến đấu chống giai cấp, nhưng trong cuộc chiến đấu, họ thiếu nhận thức về cơ cấu cần thiết để vận hành xã hội, thiếu nhận thức về những nền tảng giá trị nhằm xây dựng đời sống xã hội. ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI nhận định về Mác trong thông điệp Spe salvi (Về niềm hy vọng Ki-tô giáo) như sau :

Ông đã chỉ dẫn một cách tường tận phải làm thế nào để lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng ông không nói cho chúng ta biết tiếp sau đó phải làm gì. Ông chỉ giả định rằng, với việc trút bỏ tài sản của giai cấp thống trị và với việc lật đổ quyền lực chính trị, với việc xã hội hoá các phương tiện sản xuất thì Gê-ru-sa-lem mới sẽ xuất hiện. Bấy giờ mọi mâu thuẩn sẽ bị xoá sạch, con người và thế giới cuối cùng sẽ tìm lại được chính mình…. Bấy giờ mọi thứ sẽ đi vào con đường đúng đắn, vì tất cả đều thuộc về mọi người và mọi người đều muốn cho ai nấy những điều tốt đẹp. Sau cuộc cách mạng thành công tốt đẹp, Lê-nin phải thấy rằng không tìm được cái gì phải tiếp nối nơi ông thầy của mình. Vâng, ông ta đã nói về thời kỳ quá độ, sự độc tài của giai cấp vô sản là điều cần thiết, nhưng rồi sự độc tài này cũng chóng qua. Chúng ta biết rõ “thời kỳ quá độ” này được phát triển như sau, nhưng thay vì đưa đến một thế giới tốt đẹp, đã để lại một sự tàn phá khủng khiếp. Mác đã không suy nghĩ đến những cơ cấu cần thiết cho thế giới mới – mà thực tế rất cần. Việc ông không nói gì về điều này, cũng hợp lý theo cách lựa chọn của ông. Sự sai lầm của ông càng sâu hơn nữa. Ông đã quên rằng, con người mãi mãi là con người. Ông đã quên con người và quên cả sự tự do của họ. Ông quên rằng, tự do mãi mãi là tự do cả khi dành cho điều xấu. Ông tin rằng, khi kinh tế nằm trong trật tự, thì tất cả đều nằm trong trật tự. Sai lầm đích thực của ông là chủ thuyết duy vật. Con người không phải là sản phẩm của nền tảng kinh tế và cũng không thể cứu con người từ ngoài qua việc thiết lập các điều kiện kinh tế thật thuận lợi [9].

Vấn đề cốt lõi mà ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI chỉ ra : sự mất định hướng phát xuất từ chủ thuyết duy vật. Con người hoàn toàn không được làm từ vật chất ; con người không phải là “sản phẩm của nền tảng kinh tế”. Xác quyết này trả lời cho sự mất định hướng của nền giáo dục Việt Nam và kéo theo những hệ luỵ xã hội. Một nền giáo dục không đặt con người làm trung tâm cũng như không thăng tiến đời sống tinh thần, đạo đức biến những con người trở thành những công cụ, những con rô-bốt. Lỗi không phải từ những người được đào tạo mà đến từ hệ thống giáo dục được định hướng. Tiếp tục tư tưởng của mình, trong thông điệp Caritas in veritate, ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI viết : “Khi Nhà nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, thì Nhà nước đã rút đi sức lực luân lý và tinh thần của các công dân, đó là sức lực tất yếu để dấn thân cho việc phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức sống mới trong sự dấn thân cho lời đáp thật quảng đại và nhân bản cho tình yêu của Thiên Chúa” (số 29). Đời sống luân lý và tinh thần là sức mạnh nhằm giúp phát triển con người toàn diện cũng như toàn xã hội. Đó là cái hồn của một đất nước. Một đất nước không thể được xây dựng từ những con người vô hồn. Đi tìm cái hồn cho đất nước đó là xây dựng con người có hồn. Hồn ở đây là Trí và Tâm.”

Trần Văn Khuê, aa



[1] Võ Nguyên Giáp, “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”, trong Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm & giải pháp (nhiều tác giả), NXB Tri Thức, 2007, tr. 11.
[2] Nguyên Ngọc, “Giáo dục ở nước ta hiện nay đi ra bằng con đường nào”, trong Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm & giải pháp (nhiều tác giả), NXB Tri Thức, 2007, tr. 263.
[3] Ibid, tr. 268.
[4] Nguyễn Thái Hợp (chủ biên), Tôn giáo - giáo dục. Một cách tiếp cận, CLB Phao-lô Nguyễn Văn Bình, 2009.
[5] Nguyên Ngọc, “Lạc hướng triết lý giáo dục”, trong Tôn giáo-Giáo dục. Một cách tiếp cận (Nguyễn Thái Hợp, chủ biên), CLB Phao-lô Nguyễn Văn Bình, 2009, tr. 34.
[6] Nguyễn Thái Hợp, “Chung quanh nan đề “Giáo dục””, trong Tôn giáo-Giáo dục. Một cách tiếp cận (Nguyễn Thái Hợp, chủ biên), CLB Phao-lô Nguyễn Văn Bình, 2009, tr. 17.
[7] Nguyên Ngọc, “Lạc hướng triết lý giáo dục”, trong Tôn giáo-Giáo dục. Một cách tiếp cận (Nguyễn Thái Hợp, chủ biên), CLB Phao-lô Nguyễn Văn Bình, 2009, tr. 35.
[8] Ibid, tr. 35.
[9] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Spe Salvi, số 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét