Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

TỪ SỢ HÃI TỚI ĐỘC ĐOÁN


Thế giới, đã bước qua ngưỡng cửa của ngày 21 tháng 12 năm 2012 mà một số người tin là ngày khánh mạt, đang dần khép lại với năm 2012 đầy biến động và bất ổn xã hội, kinh tế, chính trị. Những cuộc chiến đẫm máu (dù có tiếng súng hay không) mang màu sắc chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo… không thiếu trong năm qua trên toàn thế giới và chưa chấm dứt.

Mặt khác, những dự báo tương lai cũng không mấy sáng sủa. Các chuyên gia kinh tế dự đoán khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn kéo dài trong ba năm tới (ít nhất là trong vùng đồng tiền chung châu Âu)!

Thực tại thế giới và những dự báo tương lai u ám làm nhiều người hoang mang. Người ta cảm thấy hơn bao giờ hết cuộc sống con người và thế giới mong manh. Cảm giác về thế giới mong manh này làm cho con người bất an và sợ hãi. Dĩ nhiên, sự sợ hãi là lẽ tự nhiên khi con người cảm thấy thiếu an toàn nơi cuộc sống. Thậm chí người ta còn nói sự sợ hãi gắn liền với cuộc sống hiện sinh. Đây là điều chúng ta dễ cảm nhận và nhận thấy cách thông thường về sự sợ hãi.

Tuy nhiên, còn có khía cạnh khác không hoàn toàn tự nhiên của sự sợ hãi : sợ hãi dẫn tới độc đoán, độc tài và biến con người sợ hãi thành ngẫu tượng – chính xác hơn là tự nó xây dựng ngẫu tượng theo sự tưởng tượng hay ảo tưởng (nói theo ngôn ngữ tâm lý học). Những gì xảy ra trong các chế độc tài chính trị khác nhau cho chúng ta thấy hay cho phép chúng ta lý giải khía cạnh của sự sợ hãi này.

Điều trái ngược là sự sợ hãi làm cho người ta trở nên độc tài : càng sợ người ta càng trở nên độc tài ! Chính vì sợ mà người ta gia cố “thành lũy” cho tới mức độc đoán, độc tài. Nhiều lúc sự bảo vệ này được thực hiện bằng mọi giá, mà cái giá phải trả là thế giới xung quanh nó phải chịu hậu quả - trở thành những nạn nhân vô tội bị kết án. Con người sợ hãi càng ở vị trí cao, thì việc huy động phương tiện bảo vệ càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng. Nó là dây mắt xích liên hệ với nhau theo phản ứng tâm lý sợ hãi.

Việc xây dựng ngẫu tượng cũng xuất phát sự sợ hãi này. Chính cái sợ bị mất tầm ảnh hưởng, yếu tố duy nhất, hình ảnh quy chiếu – thường do ảo tưởng, người ta tự xây dựng cho mình ngẫu tượng hay tự biến mình thành ngẫu tượng cách bệnh hoạn. Điều mà chúng ta thấy là nhiều lúc tác giả của ngẫu tượng trở nên bạo lực không thể lý giải vì cảm giác không được tôn thờ.

Đi ra sự sợ hãi là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại và tất cả mối tương quan con người. Không thể có bất cứ cuộc đối thoại, và mối tương quan con người đích thực nào trong sự chân thành, sự thật – hướng con người tới thế giới tốt đẹp, nếu như người ta không có khả năng bước ra khỏi sự sợ hãi. Thật là ảo tưởng để xây dựng “thiên đường trần thế” trong thế giới mà con người bị thống trị bởi bóng ma của sự sợ hãi. Trong thế giới này chỉ có “địa ngục trần gian” !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ


Thế giới sắp đón mừng ngày lễ Giáng Sinh. Ngày này không chỉ còn mang tính tôn giáo thuần túy, nhưng thấm đậm nét văn hóa thời đại. Không biết từ bao giờ lễ Giáng Sinh trở thành lễ hội đối với nhiều người ?

Đối với người Ki-tô hữu, lễ Giáng Sinh không phải là sự kiện hy hữu (vô tình) mang nhiều cảm xúc. Đó là biến cố quyết định và độc đáo : Thiên Chúa bước vào đời sống nhân loại trong thế giới này, như lời của thánh sử Gio-an : “Ngôi Lời [Thiên Chúa] hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga1). Biến cố Nhập thể là sự tiếp nối chương trình tạo dựng của Ngài : kể từ đây, giữa Thiên Chúa và tạo dựng (công trình thực hiện của Ngài) không còn là hai thực thể chia lìa, nhưng hòa quyện với nhau ; trong thực tại của tạo dựng có mặt của Đấng tạo hóa cách gần gũi. Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa giao hòa giữa trời và đất như lời của Thánh vịnh 84 (85) :  

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ
     hòa bình công lý đã giao duyên.
 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
    công lý nhìn xuống tự trời cao.”

Chỉ từ cái nhìn vào bức tranh sinh động này chúng ta mới có thể cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc đích thực sâu xa nơi biến cố Giáng Sinh. Qua biến cố này Thiên Chúa tiếp tục chương trình tạo dựng của Ngài và không ngừng tái tạo con người và vũ trụ “đạt tới mức vẹn toàn” (thánh Phao-lô), cho dẫu con người luôn mang nơi mình khuynh hướng thờ ngẫu tượng (nơi chính mình hay nơi hữu thể khác) – điều mà ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế kể cho chúng ta biết. Thiên Chúa tự gắn mình trong định mệnh của con người để khơi dậy nơi con người niềm khát khao hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Mầu nhiệm Giáng Sinh là như thế !

Cầu chúc quý vị và các bạn ngày lễ Giáng Sinh tràn đầy ân phúc và niềm vui của Chúa Giê-su Hài Đồng !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

TAIZÉ


Taizé, địa danh của một làng quê nhỏ bé thuộc địa phận Saône-et-Loire, miền Bourgogne nước Pháp, trở nên quen thuộc với nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới hôm nay. Điều kỳ diệu nào đã làm cho Taizé trở thành nổi tiếng?

Vào năm 1940 Roger Schutz – con của mục sư Tin lành Karl Ulrich Schutz, ở Bachs (Thụy sĩ), đi từ Giơ-ne-vơ sang miền nước Pháp để tìm một nơi cầu nguyện. Taizé là nơi mà thầy Roger đã tìm thấy, trở thành “ngôi nhà” của cộng đoàn Taizé hôm nay. Nơi đây thầy Roger thực hiện chương trình xây dựng một cộng đoàn mà trong đó “sự hòa giải theo Tin Mừng được sống một cách cụ thể nơi đời sống cộng đoàn”. Đó là cộng đoàn đại kết - các anh em thuộc các Giáo hội khác nhau (Tin lành, Chính thống, Công giáo) sống chung với nhau. Cho dù trong số hơn một trăm thầy hiện nay đa phần là Công giáo và chính thầy Roger sau này cũng đã “tìm thấy căn tính đời sống đức tin của mình nơi Giáo hội Công giáo” thì cộng đoàn Taizé vẫn là cộng đoàn đặc trưng đại kết.

Miền đất Taizé trù phú, nhưng phong cảnh không mấy hữu tình, cơ sở vật chất thuộc hạng tầm thường, không có những công trình kiến trúc đồ sộ, và cũng không có các khu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí nhộn nhịp, thế nhưng Taizé lại có sức quyến rũ hàng triệu con tim người trẻ trên toàn thế giới đến với nó. Vẽ đẹp hút hồn của Taizé đối với họ là đời sống chia sẻ cởi mở không phân biệt nguồn gốc, lịch sử cá nhân và những giờ cầu nguyện lắng đọng. Trong Thiên Chúa họ trở thành tất cả cho mọi người.

Không chỉ vào những dịp đặc biệt, ai đến với Taizé trong những ngày thường đều phải ngạc nhiên nhìn thấy hàng trăm bạn trẻ, tuổi từ 18 tới 30, say mê trong những giờ cầu nguyện tại Nguyện đường hoà giải. Ai có thể làm được điều đó, nếu không phải vì trái tim của họ đã bị Thiên Chúa cuốn hút ?

Trần Văn Khuê, aa