Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ


Nói về tình huynh đệ Ki-tô giáo (đời sống huynh đệ trong truyền thống Ki-tô giáo được đặt trên nền tảng Kinh Thánh), tôi đã có dịp tóm lược trình bày của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong cuốn sách của Ngài : “Tình huynh đệ Ki-tô giáo” (http://saokhue-saokhue.blogspot.fr/2012/02/tinh-huynh-e-ki-to-giao.html). Hôm nay tôi muốn trở lại đề tài này nhân “thông điệp” (lời đầu tiên) của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gửi tới khách hành hương và thế giới tối ngày 13 tháng 03 vừa qua tại quảng trường thánh Phê-rô :  “Con đường của Giáo Hội tại Rô-ma cũng là con đường của Giáo Hội tại mọi miền trên toàn thế giới trong tình bác bái. Con đường huynh đệ, tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới đạt tới tình huynh đệ lớn lao.”

Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô sau đó đã chú thích ý nghĩa của hạn từ “huynh đệ” với Hồng Y đoàn. Tình huynh đệ không phải là “sự bình đẳng”, nhưng là “sự hài hòa” nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn trong “sự giản dị” và “tiết độ”. Ý tưởng này bộc lộ cách trung thực tinh thần phan sinh (của thánh Phan-xi-cô, thành Át-xi-di), nhưng đồng thời hàm ý sự khác biệt căn bản với tư tưởng Mác-xít mà Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã trình bày :

Trước khi đề cập tới ý tưởng về tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác, chúng ta cần nhắc tới phong trào Ánh Sáng, được đánh dấu bởi cách mạng Pháp, là tiền đề cho phong trào cộng sản. Cách mạng Pháp đã khai sinh cho nước Pháp câu tuyên ngôn chung : tự do, bình đẳng, huynh đệ. Tuyên ngôn ngày xác định tình huynh đệ đồng quyền chính trị. Thật vậy, thiết lập lại quyền bình đẳng tự nhiên giữa tất cả mọi người là nguồn gốc của tình huynh đệ mà Cách mạng pháp nhắm tới.

Tư tưởng này làm tiền đề cho ý tưởng Mác-xít về tình huynh đệ mà từ “đồng chí” là biểu tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết, trong tư tưởng Mác-xít, ý tưởng về Thiên Chúa như người Cha chung bị biến mất ; đồng thời ý tưởng về một nhân loại chung cũng mất tầm quan trọng. Tại sao vậy ?

Chúng ta thường lầm tưởng chủ nghĩa cộng sản đem lại một thế giới đại đồng. Ý thức hệ cộng sản thực sự lại không phải như vậy. Nếu như phong trào Ánh Sáng muốn xóa bỏ ranh giới của sự khác biệt, trong tư tưởng Mác-xít nhân loại lại được chia ra thành hai nhóm hoàn toàn đối chọi nhau: giai cấp tư bản giai cấp vô sản. Điều này đặt thế giới vào hai thái cực khác nhau và chống lại nhau : một sự phân rẽ trong cùng nhân loại, một cuộc đấu tranh sinh tồn. Hệ quả là nó không thể đối xử với tất cả mọi người như anh em, nhưng chỉ với một số. Những người khác là địch !

Tại sao phải thực hiện con đường “huynh đệ” trong thế giới hôm nay trong cái nhìn về đời sống “hài hòa” mang tính “giản dị” và “tiết độ” ?

Đời sống huynh đệ không thể là ý tưởng thuần túy, hay hơn thế nữa thuộc phạm trù chủ thuyết không tưởng. Nó là cuộc sống trong đó yếu tính “giản dị” và “tiết độ” là căn bản. Tình huynh đệ được diễn đạt trong tính “giản dị” và “tiết độ” nơi đời sống qua các mối tương quan khác nhau : với con người và với vũ trụ. Nó không là sự trừu tượng, nhưng là sự cảm nhận bằng kinh nghiệm hiện sinh : giản dị và tiết độ trong cách sống, trong tiếp xúc, trong hoạch định và tổ chức đời sống, trong đời sống chung….

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật người ta đang thành công xây dựng thế giới vô hình lớn hơn nhiều so với thế giới thực. Người ta có thể liên hệ, liên lạc với người khác mà không cần biết họ đang ở đâu và không cần hiểu cảm xúc của họ như thế nào hay họ đang suy nghĩ gì. Điều nghịch lý là kỹ thuật, một mặt, có thể đơn giản hóa con đường “liên hệ” ; tuy nhiên, mặt khác, nó lại không thể hiện thực hóa mối tương quan gần gũi, không chỉ trong ý tưởng nhưng trong đời sống chung.

Đời sống huynh đệ mang tính “giản dị” và “tiết độ” thực tại hóa thế giới trong đó con người có thể chia sẻ với nhau cách chân thành, không “mưu lược”, không tính toán (toan tính). Quá “mưu lược”, quá “toan tính”, đời sống huynh đệ không còn chỗ đứng. Thay vào đó, “chiến lược”, “mưu mô” và tư tưởng quyền lực thống trị con người : con người có nguy cơ là nô lệ của chính nó !

Trần Văn Khuê, aa



Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM LÀM TÁI HIỆN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN


“Chiến tranh nhân dân” là sách lược được áp dụng cách hữu hiệu trong suốt các cuộc chiến ở Việt Nam. Nhân dân là lực lượng tiên phong ; nhân dân là đồn lũy ; nhân dân là “hậu phương” ; nhân dân là ngọn đầu đài và vật tế…. Nhân dân trở thành vừa là mặt trận “chiến lược” vừa là nạn nhân.

Gần đây các nhân sĩ Việt Nam đã “hưởng ứng” lời kêu gọi của Quốc hội Việt Nam hiện hành góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiếp theo sau đó là “Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 : nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp”, và “Lời tuyên bố của các công dân tự do”. Các khởi xướng này đã và đang thu hút hàng nghìn người Việt Nam trong và ngoài nước !

Trước “làn gió” mới này, Chính quyền hay đúng hơn là Đảng cộng sản cầm quyền Việt Nam xem chừng tỏ ra bối rối và trở lại sách lược “chiến tranh nhân nhân” : “chiến dịch” lấy chữ ký “quần chúng nhân dân” được phát động tại Sài Gòn nhằm tạo mặt trận số đông theo hình thức ! Điều đáng nói trong phần nội dung của “Phiếu lấy ý kiến nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” chỉ có một sự lựa chọn duy nhất cho nhân dân : “Đồng ý với toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (xin ghi nguyên chữ “ĐỒNG Ý” : …”. Thậm chí một số dân Sài Gòn cho biết rằng chính quyền địa phương chỉ yêu cầu dân ký và nộp lại “phiếu lấy ý kiến”, phần còn lại chính quyền sẽ lo (sic) !

Điều gì đã đưa đẩy nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay – tự đặt mình ở hàng “đỉnh cao của trí tuệ nhân loại”, tới hành động vớ vẫn này thì chắc chắn nhiều người đã có câu trả lời. Đây quả là thách thức ngông cuồng của Chính quyền đối với các nhân sĩ, và là sự phỉ báng đối với nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lịch sử sẽ có lời phán xét. Tuy nhiên, cho tới khi “thế hệ” này qua đi thì dân tộc Việt Nam sẽ đã đi về đâu ?

Nhân dân đã từng là “mặt trận đấu tranh” và sẽ còn là nạn nhân cho tới bao giờ trong sách lược “chiến tranh nhân dân” ?

Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN


Ngày càng nhiều người có khuynh hướng sống niềm tin cá nhân, ngay cả những người đã từng ngụp lặn trong đức tin Kitô giáo. Niềm tin là chuyện riêng tư và cá nhân trong thế giới mà trong đó chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Đời sống tôn giáo được hoàn toàn quy về “tự do lương tâm cá nhân” : niềm tin cá nhân. Cũng chính vì thế mà người ta rất dè dặt nói về niềm tin hay đời sống đức tin của mình và của người khác. Mặt khác, “tự do tín ngưỡng” gắn liền với quyền cơ bản con người đặt ranh giới cho phạm vi cá nhân và công chúng.

Đức tin Kitô giáo về bản chất lại hoàn toàn khác. Nó được đặt nền tảng trên ân sủng và đời sống ân sủng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hiện tại.

Truớc hết, đức tin là ân sủng trao ban đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với Phêrô : “Mạc khải này đến với con [sự hiểu biết của Phêrô về Đức Giêsu là Đấng Kitô (Đấng ban ơn cứu độ)] không phải từ xác thịt và máu huyết, nhưng từ Cha của Thầy ở trên trời” (Mt 16,17). Cũng trong mạch tư tưởng này thánh Gioan viết : “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta đã sai Ta không lôi kéo nó” (Ga 6,44). Đời sống đức tin nơi người Kitô hữu là đời sống được Thiên Chúa lôi cuốn để trở nên chính mình trong Ngài. Đó là đời sống bị cuốn hút mở ra với sự siêu việt của Thiên Chúa. Con nguời khao khát (được lôi cuốn) “hướng về” Đấng là nguồn mạch sự sống, như kinh nghiệm của thánh Augustinô : “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con hằng khắc khoải cho tới khi tìm được sự yên nghỉ trong Ngài” (Tự Thuật, I,1,1).

Mặt khác, đức tin lại mang chiều kích xã hội. Đời sống đức tin bao hàm sự hiệp thông và liên đới. Đó là đức tin sống động theo Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong thông điệp của mình, Spe salvi (Về niềm hy vọng Kitô giáo) viết : “Tin Mừng Kitô giáo không những mang tính chất “thông tin”, nhưng còn mang tính “kích động” – có nghĩa là : Tin Mừng không những chia sẻ những điều có thể hiểu biết, nhưng còn là một sự chia sẻ đưa đến hành động và biến đổi cuộc đời” (số 2). Hiệp thông và liên đới được sống trong cộng đoàn đức tin cũng như với mọi người thành tâm tìm kiếm chân lý và điều thiện trong đời sống. Người sống đời sống ân sủng của Thiên Chúa không thể thờ ơ với cuộc sống của người khác hay dửng dưng trước những gì đang đe dọa cuộc sống con người. Việc dấn thân trong đời sống xã hội và cho con người không phải được thúc đẩy bởi động lực chính trị hay đơn giản là nỗ lực tìm kiếm nước trời (sự đánh đổi), nhưng cách sâu xa như thánh Phaolô nói : “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”. Tình yêu đó là tình yêu mà Đức Giêsu tuyên bố : “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Sống trong chân lý Tin mừng này các Kitô hữu không sợ sai lầm trong việc dấn thân trong thế giới hôm nay và ngày mai.

Trần Văn Khuê, aa