Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

BIẾN CỐ NGÀY LỄ NGŨ TUẦN


Hôm nay toàn thể Giáo Hội Công giáo long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mừng lễ, đối với Giáo Hội, là sống lại biến cố ngày lễ Ngũ Tuần mà sách Công vụ Tông đồ trình thuật :

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói : "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa ! " Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau : "Thế nghĩa là gì ? " Nhưng người khác lại chế nhạo : "Mấy ông này say bứ rồi ! "” (Cv 2, 1-11)

Không cần đợi tới hôm nay để chúng ta có thể nghe nghi vấn của nhiều người về tính hư cấu văn chương của biến cố ngày lễ Ngũ Tuần (năm mươi ngày sau lễ Phục sinh) : làm sao bổng chốc các Tông đồ trở thành người biết và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau ? Hơn nữa, đó lại là thứ tiếng thuộc các miền xa lạ ! Người ta đặt câu hỏi : “Thế nghĩa là gì ?” ; người khác lại cho rằng “mấy ông này say bứ rồi” !

Quả thật, một trong những điều kỳ diệu của biến cố ngày lễ Ngũ Tuần là “ngôn ngữ”. Đó không phải vì, từ biến cố này, các Tông đồ nhanh chóng nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng Thánh Thần của Chúa biến họ thành “thứ ngôn ngữ hiểu được” đối với người dân thuộc nhiều miền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Họ là những người đến từ Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a…. “Ngôn ngữ” đó không hẳn chỉ là “lời”, mà còn “biểu tượng” trở thành ngôn ngữ. Quả vậy, điều chính yếu trong đoạn sách Công vụ Tông đồ này nhấn mạnh : đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu, được Chúa Thánh Thần biến đổi, trở thành thứ ngôn ngữ hiểu được đối với nhiều người thuộc mọi dân tộc và và ngôn ngữ.

Thứ ngôn ngữ có thể hiểu được là gì ? Đó hẳn phải là thứ ngôn ngữ chuyển tải thông điệp Tin mừng. Nói cách khác, đó là đời sống người môn đệ - trở thành ngôn ngữ, thấm đậm tinh thần Tin mừng, và phác họa cách trung thực gương mặt Thiên Chúa tình yêu qua mầu nhiệm Nhập thể, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Thứ ngôn ngữ này đi vào trong thế giới và người ta hiểu được nó là gì !

Trong thế giới mà việc sử dụng nhiều tiếng nói khác nhau như việc làm dễ dàng đối với nhiều người, ngôn ngữ của nó không hẳn lúc nào cũng hiểu được : ngôn ngữ của sự ích kỷ, thống trị, hận thù, độc đoán, độc tài, bạo hành, chiếm hữu…. Trong thế giới này chúng ta được mời gọi sống kinh nghiệm biến cố ngày lễ Ngũ Tuần của các Tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

THƯ GỬI NHỮNG TÂM HỒN CAO THƯỢNG


Linh mục Nguyên Lễ, nhạc sĩ Công giáo, đã viết những lời này trong bài thánh ca “Đẹp Thay” : “(Đẹp thay) Ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. (Đẹp thay) Ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường”. “Những bước chân gieo mầm cứu rỗi” chính là bước chân “tiến vào giữa lòng thế giới” mang yêu thương đến cho con người.

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Dep-thay-ca-doan-Duc-Me-hang-cuu-giup/IW6A8BAW.html

Gần đây các bạn trẻ trong nước, thuộc nhiều miền và tầng lớp khác nhau, khởi xướng phong trào “học hỏi về con người” : giá trị nhân phẩm và quyền căn bản. Phong trào này được sáng kiến trong bối cảnh xã hội đầy cạm bẫy : chủ nghĩa “Mac-ke-no” (mặc kệ nó), được hình thành từ xu hướng “dửng dưng” và “tư lợi” ; lạm dụng quyền bính ; chủ nghĩa giáo điều cực đoan ; sự ngổn ngang trong đời sống và cơ cấu xã hội.

Các bạn là tiếng nói của tâm hồn cao thượng hướng về con người : không bạo động, không khiêu khích, không hận thù ; nhưng yêu thương và mang tinh thần xây dựng. Các bạn không có mục đích gì khác hơn là tìm kiếm sự tôn trọng cho con người – vì đó là con người. Các bạn muốn xây dựng xã hội mà trong đó mọi người phải được đối xử cách công bằng và bình đẳng, được nói tiếng nói của riêng mình và có quyền mưu cầu hạnh phúc.

Dù được linh hứng bởi tinh thần Đức Phật, Đức Ki-tô, hay là con người khả năng lý trí luôn hướng thiện, các bạn cùng có cái nhìn : con người không bao giờ là “công cụ” của bất cứ ai hay của bất cứ cơ cấu tổ chức con người nào, nhưng là “chủ thể tự do” trong tính siêu việt của nó.

Bước đường của các bạn có thể “đi trong đau thương”, nhưng sẽ để lại dấu ấn của “tâm hồn cao thượng” : tìm kiếm những gì thuộc về mình, nhưng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Cám ơn “những bước chân gieo mầm cứu rỗi”.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền



Xét rằng : Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng : Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng : Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
Xét rằng : Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
Xét rằng : Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
Xét rằng : Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng : Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, trong các dân tộc của các nước thành viên, và ngay cả trong những người dân sống trên các phần đất thuộc quyền cai quản của các nước đó.

Ðiều 1:


Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.


Ðiều 2:


Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.


Ðiều 3 :


Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.


Ðiều 4 :


Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm.


Ðiều 5 :


Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.


Ðiều 6 :


Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách con người của mình trước pháp luật.


Ðiều 7 :


Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.


Ðiều 8 :


Mọi người đều có quyền được bảo vệ và bênh vực bởi các cơ quan tư pháp quốc gia có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quyền căn bản, do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.


Ðiều 9 :


Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.


Ðiều 10 :


Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.


Ðiều 11 :

1.    Khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự.
2.    Không ai có thể bị kết án khi có những hành động hay sơ suất xảy ra vào lúc mà luật pháp của quốc gia hay quốc tế không qui định đó là một hành vi phạm pháp. Tương tự như vậy, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt được ấn định vào lúc hành vi phạm pháp xảy ra.

Ðiều 12 :


Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.


Ðiều 13 :
1.    Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia.
2.    Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở.

Ðiều 14 :

1.    Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.
2.    Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Ðiều 15 :

1.    Mọi người đều có quyền có quốc tịch.
2.    Không một ai bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch, một cách độc đoán.

Ðiều 16 :

1.    Nam và nữ trong tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và lúc ly hôn.
2.    Hôn nhân chỉ có thể tiến hành khi cả hai đều được tự do quyết định và đồng ý thật sự.
3.    Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và được quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.

Ðiều 17 :

1.    Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể.
2.    Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.

Ðiều 18 :


Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.
Ðiều 19 :


Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.


Ðiều 20 :

1.    Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa .
2.    Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể.

Ðiều 21 :

1.    Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.
2.    Mọi người đều có quyền đón nhận những dịch vụ công cộng của quốc gia một cách bình đẳng.
3.    Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự , bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.

Ðiều 22 :


Vì là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền an ninh xã hội, qua các cố gắng của quốc gia và hợp tác quốc tế, dựa theo phương cách tổ chức và tài nguyên của mỗi nước. Quyền này được đặt trên căn bản của sự thụ hưởng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, cần thiết cho nhân phẩm và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.


Ðiều 23 :

1.    Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp.
2.    Mọi người, không vì lý do kỳ thị nào, đều có quyền được hưởng lương bổng như nhau cho cùng một công việc.
3.    Mọi người làm việc đều được quyền hưởng thù lao một cách công bằng và thích hợp, khả dĩ bảo đảm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, cũng như được trợ giúp nếu cần, qua các phương thức bảo vệ xã hội khác.
4.    Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ðiều 24 :


Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc, và các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.


Ðiều 25 :

1.    Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền an sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, góa bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình.
2.    Các bà mẹ và trẻ con phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.

Ðiều 26 :

1.    Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng.
2.    Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình.
3.    Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con cái mình.

Ðiều 27 :

1.    Mọi người đều có quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thưởng thức các bộ môn nghệ thuật, và cùng chia sẻ các tiến bộ khoa học cũng như các lợi ích của khoa học.
2.    Mọi người đều có quyền được bảo vệ về tác quyền, trên bình diện tinh thần cũng như quyền lợi vật chất, đối với các tác phẩm khoa học, văn chương, hay nghệ thuật.

Ðiều 28 :


Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.


Ðiều 29 :

1.    Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
2.    Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
3.    Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Ðiều 30 :


Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.


Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948