Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

HẠNH PHÚC LÀM NGƯỜI KITÔ HỮU


Hạnh phúc là chủ đề suy tư lớn nhất về cuộc sống con người nơi nhiều dòng tư tưởng. Người ta đồng ý với nhau rằng hạnh phúc là mục tiêu tối hậu của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, hạnh phúc là gì thì vẫn mãi là vấn đề tranh cãi. Chính Aristote, triết gia cổ Hy Lạp, có nhiều suy tư về hạnh phúc, trong tác phẩm của ông : “Ethique à Nicomaque”, cũng phải thừa nhận : hạnh phúc chỉ mang tính tương đối. Bởi lẽ, hạnh phúc là cái nhà hay chiếc xe, hạnh phúc là sức khỏe hay sắc đẹp, hạnh phúc là công danh sự nghiệp hay cuộc sống bình dị, ….? Tất cả tùy thuộc nơi con người riêng biệt và vào hoàn cảnh đặc biệt.

Từ cảm nghiệm và chia sẻ thì một trong những hạnh phúc lớn nhất là làm người Kitô hữu. Đó không phải vì Kitô giáo là nguồn xuất phát của nhiều lễ hội, nhưng trước hết, Kitô giáo đưa con người hòa quyện vào giữa Trời và Đất. Quả thật, qua công trình tạo dựng, Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại và làm thành với lịch sử con người, bởi vì “không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1, 3). Vũ trụ là nơi vạn vật sinh sống và cũng là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Hơn nữa, Thiên Chúa còn tự mặc lấy cho mình dung mạo con người nơi Mầu nhiệm Nhập thể : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Con người được trở nên hoàn hảo nơi việc Trời - Đất giao duyên.

Kitô giáo còn giúp con người chân nhận phẩm giá vốn có của chính mình. Phẩm giá này không phải được ban phát hay tự quyết bởi bất cứ ai, ngoài Đấng là Nguồn mạch sự sống : “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (x. Ga 1, 16). Phẩm giá lớn lao nhất là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mang nơi mình chiều kích thánh thiêng bất khả xâm phạm, khả năng lý trí để nhận biết giá trị siêu việt cũng như khả năng phân biệt thiện ác qua tiếng nói lương tâm và tự do chọn lựa có trách nhiệm, như trình bày của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Con người vì thế không chỉ nhỏ bé nơi thân phận phàm nhân, nhưng còn lớn lao trong tước vị làm con Thiên Chúa.

Hơn nữa, Kitô giáo, qua ánh sáng Lời Chúa, chỉ cho con người con đường đạt tới hạnh phúc. Con đường này là con đường nội tâm được mô tả một phần trong Tám Mối Phúc :

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3-10).

Ý nghĩa lược diễn từ Tám Mối Phúc này : cần có tâm hồn nghèo khó để đón nhận ; sống hiền lành nhằm chung hưởng Đất Hứa ; trải nghiệm sầu khổ để cho người được hỷ hoan ; nên người công chính cho cuộc sống tròn đầy ; xót thương cho con người được yêu mến ; với tâm hồn trong sạch để nhìn thấy mọi sự thiện hảo ; xây dựng hòa bình vì đó là Nước Thiên Chúa ; và can đảm sống công chính, vì là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

Hẳn tôi và bạn, chúng ta hạnh phúc là người Kitô hữu.


Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

KHI HỆ TƯ TƯỞNG TRỞ NÊN PHI LÝ

(Ảnh : Bức điêu khắc nói về thảm họa diệt chủng của Hít-le tại vườn Viện bảo tàng Shoah ở Jerusalem)

Một khi xã hội bùng nổ nhiều vấn đề như khủng hoảng giá trị, xung đột quyền lợi, bất công, lạm quyền, tham ô, nền nhân bản xuống cấp…. chúng ta không thể không đặt lại vấn đề về hệ tư tưởng chi phối đời sống xã hội. Khi đặt vấn đề chúng ta cho thấy mình là người có khả năng lý trí, biết phản tỉnh và sống đời sống trách nhiệm. Chính khả năng này giúp thăng tiến đời sống con người và xã hội mà nơi đó mỗi người chúng ta là nhân tố cấu thành.

Cộng đồng xã hội con người cần đến hệ tư tưởng để định hình đời sống và hướng đi. Nó là nền tảng đặt nền móng cho sự phát triển. Con người mang xã hội tính, tức là khả năng và khuynh hướng sống chung. Tuy nhiên, con người cần điểm tựa để xác định giá trị và đảm bảo tính vững chắc mang tính nhân văn cho đời sống chung. Cho tới hôm nay, trong lãnh vực chính trị, hầu hết các nước chọn “nền cộng hòa” – quyền tối cao thuộc về cơ quan dân cử, làm nền tảng xã hội.

Như vậy, hệ tư tưởng có tầm quan trọng là thiết lập đời sống xã hội và hơn hết nó thổi “hồn” vào cơ cấu xã hội. Nó cũng là tiền đề để xây dựng giá trị mang tính nền tảng và truyền thống của một cộng đồng nhân loại. Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta nhận thấy khủng hoảng xã hội bao hàm lãnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục… cũng chính là khủng hoảng của hệ tư tưởng.

Khi hệ tư tưởng trở nên phi lý, nó trở nên phi nhân bản và bạo lực. Paul Ricœur, triết gia người Pháp (1913-2005), trong tác phẩm “L’Idéologie et l’Utopie”[1] (tạm dịch : Chủ thuyết không tưởng và sự mơ tưởng), dành một phần để bàn về tư tưởng của Mác. Trong đó ông đặt ra một số vấn đề nơi tư tưởng mác-xít trở thành vấn nạn xã hội.

Trước hết, thay đổi đời sống con người bằng cách thay đổi tư tưởng của họ : “Chúng ta hãy giải phóng họ khỏi mọi ảo vọng, tư tưởng, giáo điều, thoát khỏi hữu thể ảo tưởng mang lấy gánh nặng làm họ vàng vọt xanh xao. Chúng ta hãy trỗi dậy chống lại sự thống trị của tư tưởng. Chúng ta hãy dạy cho con người thay ảo tưởng này bằng tư tưởng phù hợp với bản chất con người […] và thực tại sẽ bị phá vỡ”[2]. Điều đáng ghi nhận như một số người nhận định, đó là “một sự khởi xướng về thay đổi triệt để”. Tuy nhiên, Paul Ricœur nhấn mạnh : “Thứ chủ thuyết không tưởng bị chỉ trích ở đây, đó là nó tham vọng thay đổi đời sống con người chỉ cần thay đổi tư tưởng của họ”[3]. Quả thật, chúng ta không thể “tẩy não” con người qua việc “cải tạo” họ. Trong khi đó, tư tưởng nói lên con người khả năng trí tuệ vốn là đặc tính gắn liền với thiên chức con người.

Tiếp đến, vấn đề đấu tranh giai cấp. Paul Ricœur nói đây là quan điểm mang đậm tư tưởng chiến tranh, chứ không tinh thần đại đồng. Nhân danh người nghèo và giai cấp vô sản, người ta giết chết người khác. Chính vì thế trong cuốn sách “Frères dans le Christ” (tạm dịch : Anh em trong Chúa Kitô), Đức Hồng Y Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI) viết khi nói về cuộc cách mạng và phong trào giai cấp vô sản mà chủ nghĩa cộng sản khởi xướng qua việc đấu tranh giai cấp : “Không còn gì được gọi là tình huynh đệ bình đẳng giữa mọi người. Thay vào đó, nhân loại bị phân rẽ thành hai nhóm đối nghịch nhau một cách triệt để : tư bản và vô sản, mà phép biện chứng về thù nghịch làm kiệt quệ bản chất của lịch sử”[4]. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI còn bàn về vấn đề này một lần nữa trong Thông điệp của ngài “Về niềm hy vọng Kitô giáo”.

Cuối cùng, về vấn đề lương tâm. Paul Ricœur ghi nhận cách trình bày của Mác về luơng tâm mang tính hiện sinh : “lương tâm không mang tính tự trị, nhưng nó gắn liền với tiến trình đời sống thực của hữu thể con người”[5] như chính ông đã viết : “không phải lương tâm định đoạt đời sống, nhưng đời sống định đoạt lương tâm”[6]. Tóm lại, Paul Ricœur nói về lương tâm của Mác : “Đối với Mác, lương tâm không phải là khái niệm khởi đầu, nhưng đó là khái niệm mà chúng ta đạt tới. Vấn đề lương tâm chỉ tới sau khi người ta đã xem xét bốn điểm quan trọng : sản xuất vật chất, nhu cầu, sản sinh, và hợp tác giữa cá nhân trong các đợn vị xã hội. Lương tâm không phải là nền tảng mà chỉ là điều thứ yếu”[7]. Như vậy, chúng ta nhận thấy rất khó khi phải đề cập đến vấn đề lương tâm như yếu tố xác định hành vi đạo đức.

Tóm lại, khi hệ tư tưởng trở nên phi lý nó chỉ là sự phá hủy và không còn khả năng thiết lập hay kiến tạo một xã hội công bình và huynh đệ. Sự níu kéo điều phi lý đến mức mù lòa với điều thiện đi ngược lại khuynh hướng con người vốn hướng thượng và đi tìm chân lý.

Trần Văn Khuê




[1] Paul Ricœur, L’Idéologie et l’Utopie, Ed. Seuil, 1997 (Lectures on Ideology and Utopia, Columbia University Press, New York, 1986).
[2] Paul Ricœur trích lại trong cuốn  L’Idéologie et l’Utopie, tr. 107.
[3] Paul Ricœur, L’Idéologie et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 107.
[4] Joseph Ratzinger, Frères dans le Christ, Ed. du Cerf, 1962, p. 26.
[5] Paul Ricœur, L’Idéologie et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 115.
[6] Paul Ricœur trích lại trong cuốn  L’Idéologie et l’Utopie, tr. 118.
[7] Paul Ricœur, L’Idéologie et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 122.

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI

(Hình ảnh : Biển hồ Ga-li-lê)

Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, và Người cũng mời gọi tất cả chúng ta đi xuống dưới dáng vẻ bên ngoài để thể hiện một cuộc sống thâm trầm hơn, có ý thức và có ý nghĩa hơn. Nếu bạn đáp lại lời mời gọi ấy, thì đâu là đòi hỏi cụ thể mà bạn phải thực hiện trong cuộc sống mỗi ngày ? Nơi bản thân, đâu là chỗ mà bạn cảm thấy có sự kháng cự làm bạn khước từ lời mời gọi “đi xuống sâu hơn” ?

Qua trình thuật về câu chuyện kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Lc 5, 1 - 9), thánh sử Luca đã chuyển tải lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách sinh động, khi Người bảo các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Qua đó, Người cũng đảm bảo rằng, bất cứ điều gì chúng ta khám phá được nơi bản thân mình, đều có thể được biến đổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Sau một đêm vất vả luống công và chán nản, Phêrô cùng với bạn chài đang giặt lưới và chuẩn bị nghỉ việc. Bỗng Chúa Giêsu xuất hiện và giảng dạy cho dân chúng. Vì dân chúng chen lấn muốn đến gần Người, nên Chúa Giêsu xuống thuyền của Phêrô và xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Sau đó, Người bảo ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Thoạt tiên ông chống cự lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì”. Nhưng, cuối cùng Phêrô dịu lại và thưa : “...Nếu Thầy đã nói thế thì tôi sẽ thả lưới”. Họ đã bắt được rất nhiều cá, hầu như rách cả lưới. Họ gọi bạn chài mang thuyền đến giúp và đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Việc Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới có thể được xem như hành động mời gọi chúng ta nhận biết mình và đi vào đời sống nội tâm. Sự phản kháng của Phêrô cũng phản ánh thái độ miễn cưỡng và lo sợ mà chúng ta cảm nghiệm, khi chúng ta được kêu gọi rời bỏ cuộc sống hời hợt để đi vào trong con người thâm sâu của mình. Chúng ta lo lắng không biết mình sẽ gặp thấy gì trong cõi thâm sâu. Chúng ta tự nhủ, liệu những gì chúng ta gặt hái được có đáng để phấn đấu và chấp nhận đau đớn có thể xảy ra không. Sau mẻ cá kỳ diệu, Phêrô đã run sợ sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Cũng vậy, con người phản kháng và lo sợ của chúng ta cần nghe lời trấn an của Chúa Giêsu : “Đừng sợ ! Từ nay con sẽ là người đi thu phục người ta”. Qua lời trấn an đó, chúng ta có thể nghe Chúa Giêsu Phục Sinh nói rằng : “Đừng sợ! Thầy sẽ ở với anh em. Tất cả những gì anh em tìm thấy nơi đáy lòng mình, Thầy sẽ sử dụng để làm lợi cho anh em”. Là môn đệ Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng được Người cam đoan : nếu chúng ta phát huy việc nhận biết mình và sự toàn vẹn, thì qua con người trọn vẹn của chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta bắt được một mẻ cá lớn nhằm nuôi dưỡng bản thân mình cũng như cho người khác.

Sử dụng một hình ảnh khác trong Tin Mừng, chúng ta có thể nói rằng, Linh đạo Kitô giáo là một hành trình băng qua cánh đồng là chính con người chúng ta, để khám phá ra kho báu đã được chôn giấu trong đó. Kho báu là nơi Thiên Chúa hiện diện, như Chúa Giêsu đã nói : “Nước Trời giống như một kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi đi bán tất cả...mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44). Hành trình nội tâm là chuyến đi vất vả, băng qua nhiều lớp ý thức của tinh thần. Hành trình này làm chúng ta hoảng sợ, bởi vì phải đối phó với một địa hình mà chúng ta chưa biết. Cha Gerard Hugles, tu sĩ dòng Tên, quả quyết rằng : “Hành trình này luôn luôn bao gồm sự nghi nan, đau khổ và bối rối nhất định. Cảm xúc tiêu cực ấy là lực đẩy nhẹ nhàng của Thiên Chúa”. Tin tưởng vào sự nâng đỡ đầy yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiếp tục lên đường ; đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu mà đi xuống sâu hơn, và chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi khám phá được Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta.


E. Trúc Giang, spc

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

ĐIỀU KÌ DIỆU

Có lúc ta cầu mong điều kì diệu đến, nhưng nó không xảy ra. Có khi ta mơ màng về một chương trình vĩ đại mong được thực hiện như : tư tưởng, sáng kiến hay một chân trời mới, nhưng đều bất thể. Điều kì diệu đối với ta nhiều lúc quá xa vời vợi và quá cao chót vót. Điều kì diệu trong tâm tưởng mãi là điều kì diệu siêu thực.

Điều kì diệu đích thực trái với khuynh hướng siêu tưởng. Nó gắn liền với thực thể sống, vì nó là cuộc sống. Sự sống là điều kì diệu trước tiên và ai đang cố gắng thăng tiến đời sống là thực hiện điều kì diệu trong đời sống. Xã hội chúng ta có quá nhiều giả thiết. Lắm lúc chúng làm cho con người sống trong ảo giác và dẫn đưa con người tìm kiếm điều siêu thực. Điều làm cho con người tách lìa với thực tại trần thế không phải là việc người ta đi tìm giá trị siêu việt hay đối với tín hữu đó là đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính việc con người biến thực tại thành thế giới kì ảo : nơi đó người ta không còn có thể chân nhận dung mạo của con người đích thực và ý nghĩa cuộc sống cũng như điều kì diệu trong nó.

Điều kì diệu được bộc lộ nơi tấm lòng : nó là sự phản chiếu của điều kì diệu. Quả thật, chúng ta ngưỡng mộ tấm lòng không vị kỷ và con người dấn thân vô vị lợi. Câu chuyện về ai đó dám hy sinh đời sống mình vì người khác qua tiếng nói và hành động đọng lại nơi chúng ta hình ảnh của điều kì diệu. Nó sống mãi cách sống động trong ký ức con người. Nó không cần sự đánh bóng để tồn tại và tỏa sáng. Trái lại, nó mang giai điệu âm vang sâu lắng trong tĩnh lặng. Tiếng nói của điều kì diệu nhỏ nhẹ và dịu dàng. Chỉ ai có trái tim nhạy cảm biết lắng nghe mới nhận ra điều kì diệu.

Điều kì diệu còn trở nên mộc mạc và đơn sơ. Nơi nó không có mưu toan. Nụ cười của tấm lòng chân thật rạng rỡ hơn bất cứ gì. Con người kì diệu sẵn sàng cho đi tất cả chỉ vì tình yêu. Phần lớn điều kì diệu tiềm ẩn nơi con người tầm thường. Họ tầm thường đến mức mà tính tầm thường nơi họ trở nên điều kì diệu : đáng ngưỡng mộ. Sự cách biệt giữa con người là điều kì diệu được cất dấu. Sự mộc mạc không phải là thứ làm lóa mắt con người, nhưng làm trái tim rung động. Nó không đánh tráo và gian lận. Nó không khoa trương và cường điệu. Nó là thực tại ít được phát hiện, nhưng nó được cảm nhận bằng trái tim biết nhìn thấy.  

Đi tìm điều kì diệu, chúng ta đến với cuộc sống mà nơi đó chúng ta bắt gặp con người. Con người tầm thường, nhưng ẩn chứa điều kì diệu. Chính Thiên Chúa kì diệu đã ẩn dấu nơi con người và trở nên như mọi người. Hơn nữa, con người Giêsu đã sống ẩn dật trong suốt phần lớn thời gian của cuộc đời trần thế. Thời gian rao giảng của Người đầy sóng gió và ngập tràn sự chống đối. Cái chết là đoạn kết bi kịch nói lên sự bị loại bỏ. Thế nhưng, ai được ơn nhận biết nhìn thấy điều kì diệu của Thiên Chúa được bộc lộ nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Người trở thành nguồn sống cho mọi tín hữu xác tín. Để rồi, với dáng vẻ bề ngoài nghèo hèn họ là người cất dấu kho tàng điều kì diệu của Thiên Chúa nơi mình.


Trần Văn Khuê

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

NIỀM VUI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU

Trong một bài viết trước đây tôi nói về việc trở thành Ki-tô hữu hôm nay : người Ki-tô hữu sống xác tín, có khả năng đối diện với thách đố văn hóa mới, xây dựng “thế giới nhân bản” (x. http://saokhue-saokhue.blogspot.com/2011/05/tro-thanh-ki-to-huu-hom-nay.html). Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chưa đề cập đến con đường sống lý tưởng Ki-tô giáo lại là con đường đầy chông gai và thử thách. Phần thưởng dành cho ai yêu mến Chúa là sự đau khổ như kinh nghiệm của thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su thành A-vi-la. Đau khổ này không thuộc bản chất Ki-tô giáo, nhưng là thứ đau khổ mà như Chúa Giê-su nói : “Vì danh Thầy anh em sẽ bị thù ghét” (x. Mt 10, 22).

Sống nơi vùng đất mang đậm dấu ấn từ con người khởi xướng phong trào cộng sản tôi gặp gỡ một số cụ ông cụ bà ở tuổi 80, 90 và cao hơn nữa, hồi tưởng về cuộc sống của người Công giáo trong giai đoạn chiến tranh – lúc mà người ta biến người nông dân chân lấm tay bùn thành người cộng sản giáo điều : sống cựa quyền và thi hành mệnh lệnh cách máy móc. Đôi mắt của các cụ long lanh khi kể nhiều câu chuyện buồn lịch sử. Chuyện của các cụ là chuỗi dài sự kiện nối tiếp nhau : từ chuyện vật chất tới con nguời. Có câu chuyện như qua một đêm con bò con trâu của nhà mình bổng chốc thành vật sử hữu của người khác, hay là lúa mới từ ngoài đồng về tới sân đã thuộc về người ta. Gia sản gia đình lần lượt ra đi vì cưỡng bức. Cái còn lại duy nhất là sự “câm lặng” và “lầm lũi”. Tất cả chỉ vì “ta là người có đạo”.

Tuy nhiên, hôm nay tôi vẫn thấy trên gương mặt của các cụ toát lên nét tinh thần thanh thoát và thấm đượm nơi tâm hồn lòng nhân ái : không hận thù và cũng không gian ngoa, nhưng là sự điềm đạm và lòng quảng đại. Toàn thân con người bộc lộ sự bình an tự tại và tâm trí biểu lộ lòng tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa quan phòng và tình yêu của Ngài. Các cụ nói chuyện với tất cả niềm xác tín sâu xa : “Có Chúa”, và không quên thêm vào câu nhấn : “con đã thấy như thế”. Tôi thật sự ngưỡng mộ tâm hồn tươi trẻ và tràn đầy sức sống nơi con người da nhăn, má hóp và lưng còm. Họ đích thực là người môn đệ mà Chúa Giê-su yêu mến. Niềm vui của họ cũng là niềm vui của người môn đệ đã sống và cảm nghiệm Thiên Chúa hiện hữu trong đời sống.

Trở thành Ki-tô hữu chúng ta không đi tìm sự đau khổ và cả cái chết. Tuy nhiên, trong đau khổ người môn đệ cảm nghiệm lời chúc phúc và lời hứa của Chúa Giê-su : “Phúc cho ai chịu bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Niềm vui của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui Phúc Âm : niềm vui tình yêu, niềm vui tha thứ và niềm vui sống đời sống công chính. Niềm vui này loan báo Nước Trời – nơi đó không còn hận thù, chiến tranh, thái độ cực đoan giáo điều, nhưng là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (x. Rm 14, 17).

Niềm vui Phúc Âm của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui hòa giải. Nó không phải là thứ thỏa hiệp theo phương châm : “Dĩ hòa vi quý”, hay chấp nhận tính tương đối về một lý tưởng sống hoặc ý thức hệ. Nhưng, đó là cung cách sống biểu lộ tinh thần quảng đại và vị tha. Thái độ sống này làm cho người môn đệ Chúa Giê-su có được tinh thần thanh thoát và niềm vui tràn đầy phát xuất từ tâm hồn của con người nội tâm.


Trần Văn Khuê

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

« VÔ VI » THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO


(Ảnh : kênh đào Ézéchias, Thành Vua Đa-vít)

Tính cầu toàn hình như đang lan rộng trong đời sống xã hội hôm nay do ảnh hưởng của cơ cấu định chế. Người ta khó có thể phân biệt ranh giới giữa sự phấn đấu lành mạnh nhằm phát huy khả năng và đòi hỏi mang tính cầu toàn nhắm tới thành tích.

Khi nói tới khuynh hướng cầu toàn, chúng ta không muốn ám chỉ những nổ lực phát huy sở trường của mình, vốn là động lực thúc đẩy nhiều người đạt tới trình độ xuất chúng. Khi chúng ta quý trọng tiềm năng của mình và thích phấn đấu để đạt tới tiêu chuẩn cao, thì đó là hành vi lành mạnh. Trái lại, khi chúng ta đòi hỏi mình phải đạt tới một thành tích cao hơn khả năng mình có thể đạt được, thì đó là hành vi mang tính cầu toàn. Khi chúng ta đưa ra những kỳ vọng vô lý và không thể đạt được, bấy giờ chúng ta bị thúc bách phải ráng sức liên tục để vươn tới mục tiêu bất khả thi. Vì khuynh hướng cầu toàn mà chúng ta đo lường giá trị của mình dựa trên hiệu năng và thành tích của mình. Có một tiếng nói bên trong khiển trách ta làm chưa đủ, do đó ta không được phép cảm thấy hài lòng. Ngược lại, khi ta cảm thấy vui sướng vì mình đã làm hết khả năng mà không cần phải trở nên hoàn hảo, ta có thể hài lòng về nổ lực của mình, ngay cả khi còn có những chỗ có thể được cải thiện. Khi chúng ta bị kìm kẹp trong khuynh hướng cầu toàn, chúng ta thường cảm thấy lo âu, bối rối và cạn kiệt cảm xúc khi bắt đầu một nhiệm vụ mới. Chúng ta bị thôi thúc mãnh liệt bởi cảm xúc sợ thất bại hơn là bởi ước muốn cải thiện. Mặt khác, khi chúng ta nổ lực phát huy sở trường của mình một cách lành mạnh, thì rất có khả năng là chúng ta cảm thấy phấn khởi, đầy sinh lực và thấy rõ những gì cần phải làm.

Trong khi khuynh hướng cầu toàn là nguyên nhân khiến chúng ta bị thúc bách và ráng sức thì khái niệm vô vi trong Lão Giáo khuyên chúng ta đừng dùng vũ lực mà tác động lên hoàn cảnh, nhưng sống thuận theo hoàn cảnh, lăn theo đà và bơi xuôi dòng. Vô vi hay “phi hành động” là khái niệm phát xuất từ câu nói nổi tiếng của Lão Tử : “Đạo không làm gì, nhưng chẳng cò gì mà Đạo không thực hiện được.”[1] Vô vi khuyến khích chúng ta thư giãn và hội tụ mọi nỗ lực của mình cho đúng mục tiêu.

Người cầu toàn có khuynh hướng gia tăng tốc độ và cố gắng gấp đôi, mỗi khi họ gặp sự chống đối và trở ngại. Thay vì dựa vào sức lực của mình, vô vi khuyên chúng ta nên làm chậm lại, kiềm chế sự nóng vội và quan sát kỹ lưỡng mỗi khi gặp cản trở trong cuộc sống của mình.

Trong lãnh vực hoạt động của con người, vô vi là hình thức thông minh giúp ta hiểu biết những năng động trong công việc của loài người, nhờ đó mà chỉ cần sử dụng một chút năng lực là có thể giải quyết được vấn đề.

Tinh thần vô vi được diễn đạt trong truyền thống Kitô giáo : “Hãy buông bỏ và để Chúa lo liệu”. Lời khôn ngoan ấy khuyến khích chúng ta đặt niềm tin vững vàng vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đang hoạt động trong đời sống chúng ta và thanh thản buông bỏ những gì mà hiện nay chúng ta không thể thay đổi. Con đường vô vi đặt nền tảng trên niềm tin vào Đạo, là nguyên lý của thực tại, mà Đạo tự bản chất là lòng nhân ái. Do đó, chúng ta đừng chống lại, đừng can thiệp hay cản trở dòng chảy sự sống. Cũng vậy, đối với ai yêu mến, thì thái độ “buông bỏ và để Chúa lo” đặt nền tảng trên đức tin vững vàng này : “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Dĩ nhiên là đức tin ấy phải lấy thái độ chiêm niệm mà nhận biết Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thực tại và đang làm việc vất vả để chúng ta được hạnh phúc. Đức tin Kitô giáo bảo đảm với chúng ta rằng, vì Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thực tại tự bản chất thì tốt và Thiên Chúa là Đấng đáng tin. Các Kitô hữu được mời gọi phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và tuân phục dòng chảy ân sủng của Người, vì “Người có thể làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Tin tưởng Thiên Chúa thì giống sự nổ lực thanh thản của vô vi hơn là sự ám ảnh, cưỡng bức của khuynh hướng cầu toàn.

Tóm lại, con đường vô vi là cách thức chống lại chướng ngại vật cản trở việc hợp tác do khuynh hướng cầu toàn tạo ra, vì con đường đó làm cho chúng ta bình tĩnh hơn, tin tưởng và kiên nhẫn với người khác nhiều hơn, đang khi chúng ta làm việc với họ.

E. Trúc Giang, spc






[1] Được trích dẫn bởi Alan Watts

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGHI KỴ

Không biết từ bao giờ và bằng cách nào mà sự nghi kỵ xâm nhập con người ? Nó kết dính trong con người như thể yếu tố không được giải trừ nơi hữu thể con người. Quả thế, có người như sinh ra cho sự nghi kỵ.

Kinh Thánh nói nhiều về sự nghi kỵ con người và hệ lụy của nó. Nhiều người hẳn biết đến câu chuyện về con rắn trong sách Sáng Thế. Ngay sau công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, rắn xuất hiện như con vật huyền bí đi vào đời sống con người. Nó bắt đầu công việc mờ ám là gieo vào lòng con người sự nghi kỵ với Đấng Tạo Hóa nhằm tách con người ra khỏi nguồn của sự sống (x. St 3). Tiếp theo sau câu chuyện này là trình thuật về sự nghi kỵ của người anh đối với người em trong câu chuyện Ca-in và A-ben gây ra cái chết ai oán đầu tiên trong Kinh Thánh (x. St 4). Kinh Thánh còn tiếp tục kể nhiều câu chuyện khác như Vua Sa-un đối với Đa-vít - kẻ trung thần (x. 1Sam 18-24). 

Trong văn chương – từ văn chương Tây phương cho tới Đông phương, chúng ta còn đọc thấy đầy dẫy câu chuyện về sự nghi kỵ. Chuyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện văn chương Việt Nam điển hình, dù nó chỉ là câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Phải chăng kinh nghiệm về đời sống con người là kinh nghiệm về sự nghi kỵ ?

Không chỉ trong văn chương, nơi đời sống thực tiễn chúng ta trải qua cuộc chiến về sự nghi kỵ mà con người “vừa là tác nhân và là nạn nhân”. Người ta dần thiết lập cho nhau ranh giới giữa bạn và thù, giữa lợi ích và thất lợi, giữa quyền lực và bị quyền, giữa trên và dưới, giữa truyền thống và ngoại lai, giữa đa số và thiểu số…. Trong tất cả cặp đối kháng đó sự nghi kỵ bào mòn máu thịt con người làm cho nó trở nên điên cuồng, hung hăng, man trá, thô lỗ giữa con người với nhau.

Dù thế nào thì nghi kỵ không thể là con đường xây dựng cuộc sống con người đích thực. Nó chỉ có thể là sự hủy diệt, đặc biệt khi nó được hệ thống hóa. Ai sinh ra nó như phương tiện để tồn tại sẽ không thể đạt tới cứu cánh hạnh phúc trường tồn ; ai sống trong nó sẽ khó thoát khỏi vòng vây của sự bất an. Chúng ta biết rằng tương lai của thế giới và cuộc sống của chúng ta chỉ được đặt nền móng trên những gì là chân thật. Sự chân thật xây dựng lòng tin và lòng tin giải thoát con người.

Phá bỏ bức tường nghi kỵ để xây dựng thế giới dựa trên những gì chân thật và lòng tin là con đường dài mà chúng ta cần nhiều hy sinh, thiện chí và hướng thiện. Nó đòi hỏi tiến trình giáo dục lâu dài và sám hối cá nhân và cả cộng đoàn cách chân thành đến khi chúng ta có thể nói : “Tôi sinh ra không phải để cho sự hận thù” và sự nghi kỵ, nhưng là cho sự tin tưởng. Đây không chỉ là thái độ đạo đức mà còn là giá trị nhân văn.


Trần Văn Khuê

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

(Ảnh : Núi Tabor)

Thế giới hôm nay lôi cuốn con người chạy theo khoái lạc, lợi nhuận và chiếm hữu không ngừng. Sự từ bỏ quả là xa xôi và không tưởng. Bị ảnh hưởng bởi não trạng sống để hưởng thụ, người ta thường coi giá trị ở đời này như tiền bạc, danh lợi, địa vị là trên hết. Nhưng đối với ai còn chút tâm hồn lương thiện, và đã từng trải, đều nhận biết đâu là giá trị đích thực của đời người. Ngắn ngủi thay con đường hưởng thụ, chẳng đưa người ta tới đâu, mà cuối cùng chỉ thấy phiền não, lo âu và thất vọng. Càng hưởng thụ càng thấy mình trở nên trơ trọi, tầm thường, bạc nhược và rồi ngán ngẩm chính bản thân mình.

Sống là chấp nhận từ bỏ. Từ bỏ trở thành qui luật sống, phát sinh và triển nở. Thai nhi không thể nào ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Đứa bé chẳng bao giờ trưởng thành nếu nó sống mãi bằng sữa mẹ. Lớn lên, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp lại càng phải từ bỏ. Từ bỏ là dấu chứng ta muốn được tự do phát triển, bằng cách tẩy trừ mầm móng độc hại đã ít nhiều thâm nhập vào đời sống mình. Có biết bao điều hèn kém và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả điều tốt cũng phải được từ bỏ để chọn một điều tốt hơn. Có nhiều người không có can đảm từ bỏ nên suốt đời cứ bị giằng co và ray rứt.

Từ bỏ thường làm ta sợ hãi và luyến tiếc, cảm thấy mình bị mất mát và nhiều khi bị thương tổn. Sự cắt tỉa nào mà lại không gây đau đớn và xót xa ? Đó là điều nhất thiết phải có để cây đời sinh hoa kết trái. Khi một phiến đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó nó mới biết ca ngôi sự đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẽo nó qua bao ngày. Cũng vậy khi thấy mình trở nên con người thành toàn hơn về mọi phương diện, ta mới biết yêu chuộng sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên. Chính sự từ bỏ sẽ giải phóng con người khỏi những gì đang bị kìm hãm, những gì làm giảm bớt cơ hội thăng tiến, những gì làm tê liệt sự phát triển nhân tính, để mở ra cho con người chiều kích siêu việt, linh thánh.

Thiết nghĩ, ai tự cho mình là khôn ngoan để rồi từ chối không muốn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ là người khờ dại. Muốn dành phần riêng cho mình để khỏi mất hết, là một tính toán sai lầm. Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Đức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cứ phải từ bỏ hoài, từ bỏ mãi và từ bỏ hết cho đến suốt đời : “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14, 33).

R. Tagore đã cảm thấu được chân lý trên qua dụ ngôn người hành khất gặp Đức Vua :  Khi xe Vua ngừng, người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng Vua sẽ thương ban vàng bạc, nào ngờ Vua lại chìa tay xin : “Có gì cho Ta không ?”. Người hành khất bối rối, lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho Vua. Khi chiều về, anh ta dốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở : “Phải chi tôi dâng hết cho Người”.

Với xác tín thâm sâu đó, Tagore mới dâng lời nguyện ước : “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế chẳng bao giờ tôi lẫn tránh được Người...”

Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng chỉ phát khởi trên con đường từ bỏ. Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày. Điều hôm nay chưa đến, mai đã thấy có. Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén. Chính vì vậy, từ bỏ phải là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không chỉ nửa vời hay chỉ trong lúc hứng khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng. Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào (x. Lc 14, 28-33), không thể lừng khừng và thỏa hiệp. Không còn là lúc mà ngồi xuống để tính toán nữa. Cần đầu tư toàn lực để xây tháp ; cần tập trung toàn tâm để tiến quân. Cần từ bỏ mọi vướng víu và níu kéo để lên đường cho một sứ mạng, đồng thời cũng dám dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho chân lý. Từ bỏ hoàn toàn là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống trọn tình và thuộc trọn về người mình yêu.

Từ bỏ là con đường và cách thế của Chúa để gặp gỡ và cứu độ con, xin biến sự từ bỏ trở thành con đường của con để gặp gỡ Chúa và thuộc trọn về Ngài.


E. Trúc Giang, spc

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

LỜI TÌNH YÊU


(Ảnh : Đức Maria viếng thăm Bà Êlisabét)

Lời làm thành cuộc sống con người. Không có lời con người như sống trong vô vọng. Con người sinh ra, lớn lên và trao đổi bằng lời, nhờ lời và qua lời. Quả thế, người ta khó mà thông đạt cho nhau nếu không có lời. Lời chính là kênh truyền của sự hiểu biết.

Tuy nhiên, ngôn ngữ bằng lời vẫn không bao giờ diễn đạt hết cõi thâm sâu nơi con người và cả tình yêu. Có lúc lời hoa mỹ chân thành lại trở nên trống rỗng và vô ý nghĩa. Như trong lúc thương đau lời dễ trở thành sự mơn trớn và giả tạo. Hơn nữa, điều tệ hại nhất là lời sáo rỗng, rập khuôn và thiếu sự hiểu biết.

Nơi sự gặp gỡ con người đích thực lời trở nên bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan không chỉ nói : « qua Lời tất cả vạn vật được tạo thành », nhưng còn : « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật » (x. Ga 1,1-18). Con người chiêm ngắm Lời trở thành người và cư ngụ giữa muôn người. Đó là Lời hít thở khí nhân loại, sống theo nhịp đập trái tim con người. Lời trở nên bằng xương bằng thịt là lời hữu hình và là lời xác thực. Lời đó chân thật và không giả dối. Lời không tìm cách phân bua và ngụy biện, nhưng lắng nghe và đón nhận. Lời cất tiếng nói mạnh mẽ ngay cả trong thinh lặng. Đó là lời tình yêu.

Đến với con người ngôn ngữ bằng lời không mấy quyến rũ hay cũng chỉ làm vui lòng người trong chốc lát, bỡi lẽ trái tim rung động bởi hình ảnh ấn tượng. Chính vì thế mà ta hiểu được truyền thông hôm nay bằng nhiều cách khai thác triệt đễ hình ảnh nhằm chinh phục mọi người.  Tuy nhiên, cũng không thể có hình ảnh nào tốt nhất ngoài lời tình yêu. Hình ảnh này không lắp ghép, chắp vá, chỉnh sửa hay được tô vẽ, nhưng trung thực và mộc mạc. Nét đẹp của lời tình yêu là sự trần trụi. Thập giá của Đức Kitô là sự trần trụi tuyệt đối và mang vẽ đẹp cao siêu theo ngôn ngữ của Hans Urs von Balthasar – nhà thần học người Thụy sĩ (1905-1988), vì thập giá biểu lộ tình yêu vô biên : « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình » (Ga 15,13). Đó là lời tự biện đạt tới sự tinh túy tri thức và hòa quyện với con người.

Lời tình yêu đi mãi trong sự ngỡ ngàng và chiêm ngắm, vì nó là lời gặp gỡ. Nó luôn cởi mở với tương lai và luôn suy niệm trong lòng. Nó yêu thích điều không mong đợi và để cho hồn rung động với cái xa lạ. Lời tình yêu không tìm kiếm ngươi thân cận, nhưng trở nên thân cận với mọi người. Nó biết rằng mình là khách bộ hành đi mãi trên con đường dấn thân. Nó chấp nhận sự rủi ro vì nó không thể toan tính được gì thuộc về tương lai. Lời tình yêu là lời tin yêu và phó thác. Lòng tin yêu này lớn lên trong kinh nghiệm của sự gặp gỡ và kinh ngạc.

Lời tình yêu chính là cuộc sống. Nó là lời được nuôi dưỡng bằng chất sống tình yêu Thiên Chúa và con người. Lòng say mê Thiên Chúa và con người cho ta lời tình yêu.

Trần Văn Khuê


Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

TÌNH THƯƠNG CHÚA ĐỜI ĐỜI CON CA TỤNG


Ảnh : Hồ Silôê

Cái tĩnh mịch cho vũ trụ chìm sâu trong giấc ngủ. Mọi vật như im lìm trong thầm lặng. Trái đất mãi xoay vần, gió vẫn thổi, mây vẫn bay, cây cối hút nước và hít thở bầu không khí trong lành... Con người đón chào ánh bình minh của ngày mới, tia sáng bị khúc xạ bởi các tầng mây hòa cùng làn gió nhẹ, trông thật đẹp mắt và thi vị.

Từ sớm mai con hát lên lời ca tụng : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Vì yêu thương Chúa đã dựng nên vũ trụ bao la với muôn vàn tinh tú, trăng sao, thú vật, cá biển, chim trời... Tất cả như đang thầm lặng trước tôn nhan Chúa. Chỉ có thầm lặng mới diễn tả được quyền năng và vinh quang của Ngài. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18A,1).

Sự xuất hiện của con người là chóp đỉnh của tạo dựng mà Thiên Chúa đã thực hiện, là kiệt tác hoàn hảo hơn bất cứ tác phẩm nào. Con người tuy nhỏ bé so với vũ trụ bao la, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt.

Ngược dòng thời gian về quá khứ, ghé thăm vườn địa đàng năm xưa : miền đất bao la tràn đầy sữa và mật, cây cối xanh tươi, hoa ngọt trái bùi bên dòng suối nước. Tiếng kêu của côn trùng hòa với tiếng hót của đàn chim trong gió nhè nhẹ của buổi chiều mát dịu ; tất cả đang hòa thành bản nhạc du dương, vẽ nên bức tranh thật sống động. Trong cái thanh bình thầm lặng dưới tia nắng hồng của hoàng hôn, Thiên Chúa Giavê dạo chơi với con người, như người Cha dìu đứa con bé bỏng của mình bước đi những bước chập chững đầu đời. Tất cả để nói lên tình thương của Đấng Tạo Hóa dành cho con người. Mỗi vết chân là một dấu ấn tình yêu không bao giờ phai. Nhưng, con người đã đánh mất giây phút hạnh phúc ấy, đã cắt đứt sợi dây yêu thương mà Thiên Chúa đã trao ban. Giờ đây con người phải sống trong bất hạnh đau khổ. Bởi vì con người đã bất phục tùng và chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa. Dầu vậy, tình yêu Ngài vẫn cứ mãi tuôn tràn tựa biển hồ lai láng. Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu  Độ : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp dập đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Và “Thời gian đã tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Thiên Chúa Cha đã thông ban cho chúng ta Con Một yêu dấu của Ngài, để chúng ta sống bình an, hạnh phúc. Chúa Cha trao ban cho chúng ta cách nhưng không, Ngài không đòi hỏi điều gì ngoại trừ kêu gọi chúng ta cũng phải biết cho đi nhưng không (x. Mt 10,8). Lời mời gọi đó không phải là Thiên Chúa Cha đang trông mong chúng ta đến với anh em mình, và chờ đợi chúng ta trở về hay sao?

Hãy trở về ! Hãy trở về với Cha nhân từ ! Hãy trở về ... để trong “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), chúng ta được làm con Thiên Chúa Cha và đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô.

Trong Tông Thư gởi đầu Thiên Niên Kỷ Mới, số 5, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết : “Mầu Nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa, đạt tới chóp đỉnh trong Mầu Nhiệm Phục Sinh và hồng ân của Thần Khí, là con tim rung động của thời gian, như hạt giống dự định để trở nên một cây lớn” (x. Mc 30-32).

Đúng vậy, mầu nhiệm đau khổ và Phục sinh của Ngôi Lời, là ngôn ngữ sống động của tình yêu mà sự hiểu biết của con người không thể thấu đạt : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Hạt giống của sự sống được gieo vào lòng đất, đã mục nát đi rồi nảy mầm vươn lên. Sự sống đã chiến thắng tử thần qua cuộc từ nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Cây Sự Sống với cành lá xanh tươi đã mọc lên. Ở đây chúng ta được ví như cành cây gắn liền với thân cây là Đức Kitô để đón nhận sự sống và sinh hoa trái. Đó là hoa thơm của thánh thiện và bác ái.

Thầm lặng và chiêm ngắm để thấy tình thương Chúa vẫn ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ trong lòng. Tâm hồn chúng ta phấn khởi vui mừng hát lên bài ca chúc tụng “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89,2).

E. Trúc Giang, spc


Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

CON ĐƯỜNG NGUY HIỂM


Trong lời huấn dụ các môn đệ về chọn lựa đưa tới sự từ bỏ, Đức Giêsu nói với họ bằng hình ảnh gợi nghĩa : “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ hoàn thành không ? […] Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (x. Lc 14, 28-33). Lời dạy khôn ngoan này của Đức Giêsu cũng là kinh nghiệm con người qua mọi thời. Theo lẽ tự nhiên, ai không tính toán đường đi nước bước ? Ai không tính thiệt thua ? Và, ai lại không suy tưởng vận mệnh thời cơ ? Con người lý trí cũng là con người khôn ngoan biết “tính toán”. Sự lường trước, như Đức Giêsu nói, giúp người ta đạt tới “thành công”.

Tuy nhiên, có điều đặc biệt nơi hành động của Đức Giêsu lại được các tác giả Phúc Âm ghi nhận : Con người hình như không biết tính toán và chọn lựa con đường nguy hiểm. Việc nhập thể của Thiên Chúa đã là cuộc mạo hiểm của Ngài nơi đời sống con người. Đó không phải vì sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, điều thiện và điều ác, nhưng là cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa với con người tự do. Đấng là Chủ không hề nắm chắc sự quy phục của con người thụ tạo. Từ quyền bính và toàn năng Thiên Chúa tự đặt mình nơi thái độ của người mời gọi, đồng hành và chờ đợi. Giấc mơ tạo dựng này được nhập thể nơi đường đi nước bước của Đức Giêsu nhập thế.

Cả ba tác giả Phúc Âm nhất lãm ghi lại hành trình của Đức Giêsu qua miền đất của người Ga-đa-ra và Ghê-ra-xa, chữa lành cho người bị quỷ ám (x. Mt 8, 28-31 ; Mc 5, 1-20 ; Lc 8, 26-39). Thánh Mát-thêu đặc biệt thêm chi tiết khung cảnh và tính chất nguy hiểm trong trình thuật của mình : “người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả”, “rất dữ tợn” và “không ai dám qua lại lối ấy”. Nếu đó là con đường nguy hiểm cả về địa hình và con nguời, tại sao Đức Giêsu lại muốn đi vào miền đất ấy ? Quả thật, đây mới chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quyết định của Đức Giêsu chọn đi con đường nguy hiểm. Việc để cho “người thu thuế” tiếp rước mình về nhà và dùng bữa với “người tội lỗi” (x. Mt 9, 9-13) cũng như để cho “người phụ nữ tội lỗi” lau chân và xức dầu thơm lên mình (x. Lc 7, 36-50) quả là quyết định vượt lên trên mọi định kiến tôn giáo và xã hội khắt khe và chỉ có Đức Giêsu mới có thể đi con đường nguy hiểm này. Người Pharisiêu không bỏ qua cơ hội để chất vấn các môn đệ về Đức Giêsu : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?”, và phê phán trong thâm tâm : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi”. Cuối cùng, Đức Giêsu đi hết chặng đường nguy hiểm lên Giêrusalem. Đó là đoạn trường của cuộc vượt qua mà môn để ngăn cản Người : “Người nói với các môn đệ : "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê ! " Các môn đệ nói : "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ? " (Ga 11, 7-8).

Phải chăng từ hành động gây ngạc nhiên này của Thiên Chúa mà thánh Phaolô rao giảng cho dân thành Côrintô : “Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao ? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. […]. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em” (x. 1Cr 1, 17-31). Để đến với con người Thiên Chúa đi con đường của con người. Xuyên suốt lịch sử Kinh Thánh chúng ta nhận thấy hình ảnh Thiên Chúa không ngừng ngỏ lời với con người và luôn đi bước trước để đưa con người về nguồn hạnh phúc. Sau này thánh Âugustinô diễn tả về Thiên Chúa nhập thể nơi đời sống con người bằng hình ảnh : để cảm nhận con người Thiên Chúa hít thở bằng hơi thở con người và yêu thương con người bằng trái tim nhân loại.

Con đường hôm qua cũng như hôm nay, nơi đó có vinh quang và gian khổ đắng cay, có niềm vui và buồn sầu thất vọng, có phấn khởi và nhọc nhằn mệt mỏi, có ánh sáng và bóng tối, có phẳng lặng và giông tố, có chặng đường bằng phẳng và gập ghềnh. Con đường nguy hiểm. Tuy nhiên, trong mọi sự Thiên Chúa định liệu cho chúng ta bằng tất cả sự khôn ngoan và tình yêu.


Trần Văn Khuê

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

TỪ NƠI TƯ TƯỞNG CON NGƯỜI

Triết gia Epitète khuyên con người triệt để xua đuổi tư tưởng xấu xa ra khỏi đầu óc,vì nó gây ra những căn bệnh nghiêm trọng tinh thần. Nó còn là nguyên do của bệnh tật thể lý. Ông  nói : “Những bệnh này thường do người đau không biết làm cho đời sống của mình thích nghi với vấn đề thực tế”.

Có nhiều thứ bệnh ngặt nghèo không do vi khuẩn gây nên, nhưng do tư tưởng tiêu cực hoặc hành động đen tối tạo nên, làm thành cảm xúc bất lợi như lo lắng, sợ sệt, buồn rầu, oán ghét... Đó cũng là tư tưởng đen tối không những làm bại hoại đời sống tinh thần mà còn hủy hoại đời sống cơ thể.

Văn sĩ Montaigne cũng từng cho rằng : “Loài người đau khổ do hoàn cảnh thì ít mà do ý niệm về hoàn cảnh của mình thì nhiều”. Ý niệm thay đổi thì tâm trạng thay đổi. Hãy bắt đầu và xếp đặt lại tư tưởng của mình với tất cả niềm tin chiến thắng. Chiến thắng được chính mình thì sẽ chiến thắng được mọi sự.

Có những trắc trở và khó khăn dường như vượt sức ta ; có hoàn cảnh éo le khiến ta cảm thấy bất lực không thể làm gì hơn ; cũng có oan trái và cay nghiệt khiến ta rúng động cả tâm can. Chúa thấy tất cả điều đó. Ngài muốn gột rửa tinh trong quả tim và khối óc của ta. Ngài mời gọi ta vận dụng toàn thể nội lực của mình để vượt qua rào cản vô hình đang vây bủa tư tưởng.

Dù có khi chúng ta không khắc phục được tình trạng và hoàn cảnh theo ý muốn, nhưng nghị lực muốn vượt qua đem lại cho ta sự thanh thản biết đón nhận và kiên định hào hùng trong cuộc sống. Giá trị cao cả của đời sống tinh thần là ở chỗ đó, ở ngay trong tình trạng mà Chúa muốn như vậy. Chính thánh Phaolô đã ba lần xin Chúa cho ông thoát khỏi nỗi khổ đang dằn vặt chính mình. Nhưng Chúa quả quyết với ông : “Ơn Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr12, 8).

Thánh Phaolô nghĩ rằng Chúa muốn như vậy để ông khỏi tự cao, tự đại. Mầu nhiệm tình yêu Chúa thật lạ lùng. Hiểu được như thế nên Phaolô càng thêm xác tín : “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr12,9). Kinh nghiệm sống với Chúa cho Phaolô biết cách suy nghĩ tích cực, dù không thoát được sự nhức nhối và không mạnh mẽ như mình mong muốn, nhưng ông “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối... Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr12,10). Ý hướng và cách thức tư duy của thánh Phaolô thật tuyệt vời, nó giúp ta biết cách vận dụng tư tưởng để xây dựng cuộc đời mình một cách tích cực nhất.

Tư tưởng có khả năng thay đổi mọi sự, vì mọi sự bắt đầu bằng tư tưởng. Thay đổi như thế nào thì tùy định hướng, nội dung và tính chất của tư tưởng. Tư tưởng mang lại hạnh phúc nhưng cũng mang lại bất hạnh. Tư tưởng là sức mạnh sáng tạo và biến đổi, nhưng cũng là sức mạnh phá hoại và hủy diệt. Bởi vậy mỗi tư tưởng là mỗi sự cân nhắc và chọn lựa. Mỗi tư tưởng phải là mỗi sự khôn ngoan và “minh trí”.

Nhìn vũ trụ vạn vật, ta nhận ra Thiên Chúa là nhà tư tưởng lỗi lạc vô song. Ngài sắp xếp, an bài mọi sự trong trình tự chuyển biến đi lên, để mọi loài, mọi vật theo cách thế của mình mà phát sinh và triển nở. Trên đường tiến hóa về Tinh Thần tột đỉnh là Đức Kitô, Thiên Chúa vẫn đang không ngừng sáng tạo trong sức sáng tạo tư tưởng con người. Ngài đang qui họp mọi tư tưởng tích cực nhất, sinh động nhất, cao đẹp nhất, để hình thành trời mới đất mới cho nhân loại mới. Trong đó, có bản thân ta đang phấn đấu từng giờ để vượt lên chính mình trong tư tưởng và theo đường nẻo của Chúa, hầu hoàn thành kế hoạch rất riêng cho cuộc đời ta, nhưng cũng rất chung cho mọi người.

Ước chi mọi tư tưởng chúng ta làm thành dòng suối tuôn chảy liên tục bắt nguồn từ nơi Chúa, để chúng ta được ở trong Chúa trong mọi tư tưởng của chúng ta.


E. Trúc Giang, spc