Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

TỪ THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ

Hẳn chúng ta điều xác tín rằng Thập giá Đức Ki-tô là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa “trong hình thức triệt để nhất” đối với con người : “Trong cái chết trên Thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Ki-tô hữu tìm được con đường để sống và để yêu.” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Deus caritas est, số 12).

Tuy nhiên, mặt khác, Thập giá Đức Ki-tô còn là dấu chỉ lên án sự bạo lực của con người và tố cáo bản án của người vô tội. Chính vì vậy, cây Thập giá của Đức Ki-tô, ngoài ý nghĩa thần học, còn mang tính thời sự : nhiều người vô tội vẫn bị kết án cách bất công trong các xã hội khác nhau, đặc biệt là trong các xã hội độc tài ; những bạo lực đẫm máu vẫn xảy ra trên thế giới vì tính hung hãn con người.
Trong những năm gần đây, qua các nguồn thông tin khác nhau, có nhiều bản án được dành cho người vô tội trên đất nước này. Trong số họ có những người từng bày tỏ lòng yêu nước và con người Việt Nam như : Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) …. Danh sách những người bị bắt ngày mỗi dài thêm và gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Những cái chết do bạo lực công quyền cũng gia tăng mỗi ngày. Nhiều cái chết “bí ẩn” xảy ra ngay chính nơi các cơ quan công an – cơ quan này, xét về luật, phải có chức năng bảo vệ sự an toàn cho người dân (CÔNG – AN). Tuy nhiên, cơ quan này đang trở thành nỗi ám ảnh nơi người dân, một nỗi ám ảnh cần được giải trừ. Danh sách của những cái chết này cũng ngày càng rất dài : Trần Minh Sỹ (23 tuổi), Gia Lai; Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi), Hà Nội; Đặng Trung Trịnh (32 tuổi), Hải Dương; Nguyễn Văn Long (41 tuổi), Bình Phước;  Nguyễn Quốc Bảo (33 tuổi), Hà Nội; Huỳn Tấn Nam (21 tuổi), Khánh Hòa; Nguyễn Phú Trung (41 tuổi), Hà Nội; Nguyễn Thành Năm (43 tuổi), Đà Nẵng; …. !
Ngoài ra, những cuộc “khủng bố” – tinh thần và thể xác, đang trở thành hiện tượng xã hội đáng sợ trong đất nước này. Đó là những gì đã từng xảy ra ở vùng đất Thái Hà, Hà Nội và đối với nhiều cá nhân khác nhau. Các cuộc khủng bố này từng xảy ra một cách công khai với lực lượng mang quân phục, nhưng cũng nhiều lúc “bán công khai” với các nhóm “nhân dân tự phát” và thậm chí với những nhóm “côn đồ”. Tất cả họ đều là những công dân trong đất nước “định hướng XHCN”.
Nguời Ki-tô Hữu chiêm ngắm Thập giá Đức Ki-tô là nguồn tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Đồng thời họ cũng soi chiếu hình ảnh thập giá này nơi đời sống con người. Điều chắc chắn là trở thành Ki-tô Hữu chúng ta không đi tìm cái chết thập giá, nhưng dấn thân đến hơi thở cuối cùng cho việc đẩy lùi cái chết thập giá : bản án bất công cho người vô tội và bạo lực con người.
Ý nghĩa của ơn cứu độ đối với người Ki-tô Hữu là ngày lễ Phục Sinh : Đức Giê-su bước qua bóng tối sang ánh sáng, từ cái chết đến sự sống. Đó là nơi, Vương quốc mà người Ki-tô Hữu hướng tới. Nơi này không có chỗ đứng cho tính côn đồ và hung hãn rất vô nhân của con người.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

ĐỜI SỐNG TRÁCH NHIỆM

Khi nói tới đời sống trách nhiệm chúng ta thường liên tưởng tới những chức vụ mà chúng ta đảm nhiệm trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đời sống trách nhiệm bao trùm toàn bộ đời sống của mọi người, không phân biệt địa vị xã hội của từng cá nhân cũng như không được miễn trừ đối với bất cứ con người nào. Trách nhiệm là sự đòi buộc nền tảng đối với ơn gọi làm người và đời sống đạo đức.
Đời sống đạo đức là nền tảng cho việc xây dựng đời sống xã hội. Không có bất cứ cộng đồng nhân loại đích thực nào tồn tại nếu không có đời sống trách nhiệm. Đời sống trách nhiệm này bao hàm việc “trông coi vũ trụ” và dấn thân cho những công ích.
Trách nhiệm “trông coi vũ trụ”
Trong bài viết : “Bảo tồn thiên nhiên : điều kiện thăng tiến con người” tôi đã nói tới trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên là điều kiện để thăng tiến con người. Trách nhiệm này mang tính đạo đức, được đặt trên nền tảng của những suy tư thần học và đạo đức trong truyền thống Ki-tô giáo.
Quả thật, nhiều người hôm nay quan ngại về những ô nhiễm ảnh hưởng tới môi sinh do những lạm dụng khoa học và tuy duy duy kinh tế trong sự phát triển, hoặc thậm chí do tư tưởng trục lợi cá nhân. Chúng thực sự tác động một cách sâu xa trên đời sống của con người. Trái đất là ngôi nhà của con người, nhưng ngôi nhà này đang phải đối mặt với nhân tố chống lại sự sinh tồn của nó. Con người vì thế được báo hiệu là đang sống trong sự bấp bênh. Mặt khác, người ta cũng khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt như thể những sự giàu có này chỉ được dành cho họ. Một điều chắc chắn là không có bất cứ cá nhân nào – dù là chủ tịch nước hay thủ tướng của một quốc gia …, được quyền tự cho mình lớn hơn sự sinh tồn và phát triển của cả một cộng đồng.
Trách nhiệm “trông coi vũ trụ” đặt vấn đề đạo đức đối với từng cá nhân, các tổ chức, các thể chế chính trị và xã hội. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi : con cháu chúng ta (trong nghĩa rộng) – những thế hệ tương lai, sẽ sống và đánh giá chúng ta như thế nào trong mức độ chúng ta “trông coi vũ trụ” hôm nay ? Điều chắc chắn là nếu chúng ta chưa có khả năng đặt câu hỏi này cho chính mình thì chúng ta cần phải xem xét lại tính chất đạo đức của đời sống trách nhiệm. Hoặc nếu như người ta cố tình sống theo chủ nghĩa thực dụng (mac-ke-no, một hiện tượng xã hội mới trong xã hội Việt Nam) thì người ta đang cổ võ cho một lối sống vô đạo đức.
Trách nhiệm đối với “công ích”
Một điều trái ngược khôi hài là trong đất nước được “định hướng xã hội chủ nghĩa” – lấy mục tiêu phát triển xã hội làm định hướng, chúng ta nhận thấy người ta ít tôn trọng hay ý thức tôn trọng những công ích. Những công trình công cộng là những công trình thường được thực hiện một cách vô trách nhiệm nhất. Qua báo chí chúng ta biết được nhiều công trình đã xuống cấp ngay sau khi hoàn thành. Mặt khác, ý thức về việc bảo tồn những di sản quốc gia xem chừng chỉ là chuyện giấy tờ. Người ta vẫn đặt câu hỏi về nguyên nhân, nhưng những câu trả lời cũng rất đa dạng và nhiều lúc vẫn chưa lột trần hết được những căn nguyên sâu xa.
Trách nhiệm đối với công ích là đòi hỏi mang tính pháp lý và đạo đức xã hội. Mọi công dân – không phân biệt chức vụ, cần được giáo dục ý thức về trách nhiệm đối với công ích. Chúng ta nhận thấy một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa các nền văn minh và nhân bản là ý thức trách nhiệm đối với công ích; cũng vậy, điều làm nên sự vĩ đại của những nhà lãnh đạo là việc đặt lợi ích quốc gia trên tư lợi và mọi toan tính chính trị. Những người Nhật Bản đã cho chúng ta thấy điều đó.
Tóm lại, đời sống trách nhiệm là nền tảng của đời sống nhân bản và đạo đức. Chúng ta vừa nói tới trách nhiệm “trông coi vũ trụ” và trách nhiệm đối với công ích. Tuy nhiên, nó còn cần được diễn giải trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội khác nữa : cơ cấu pháp lý, kinh tế và xã hội. Tương lai của xã hội ngày mai là những gì chúng ta đang làm hôm nay. Đời sống trách nhiệm có sức mạnh làm thay đổi tất cả.
Trần Văn Khuê, aa

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

CUỘC CHIẾN NÀO ?

Theo chiều dài lịch sử của nhân loại con người từng chứng kiến những cuộc tranh chiến khác nhau như giữa các khuynh hướng triết học, những cuộc xâm chiếm thuộc địa, … Một cuộc tranh chiến khác là cuộc chiến ý thức hệ giữa khối “tư bản” và “cộng sản” từng xảy ra trong một thời gian dài.
Hiện nay phong trào cộng sản vẫn còn tồn tại ở một số nước châu Âu và châu Mỹ La-tinh (dĩ nhiên, ngoài những nước mà đảng cộng sản đang cầm quyền : Cuba, Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam). Tuy nhiên, sự hiện diện này được xem là “vô hại” vì nó chẳng có chút ảnh hưởng gì tới toàn xã hội và cũng không mấy ai quan tâm. Học thuyết cộng sản, vì thế, cũng đi vào quên lãng.
Về mặt tư tưởng, ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản được đặt trên chủ thuyết vô thần. Từ đây gây ra những cuộc xung đột không thể giải hòa giữa một bên là vô thần và một bên là hữu thần. Tuy nhiên, hôm nay, tôi cho rằng cuộc chiến đích thực đối với chủ nghĩa cộng sản là quyền bính. Việc củng cố sự chắc chắn bộ máy cầm quyền và không sợ loại bỏ những thế lực được xem làm nguy hại cho chế độ xuất phát từ tư tưởng quyền bính, chứ không còn từ ý thức hệ. Chính vì thế, người ta sẽ phí thời gian để dấn thân vào những cuộc tranh luận tư tưởng.
Chúng ta biết rằng quyền bính có thể đảm bảo sự ổn định đời sống xã hội, nhưng nó cũng có sức phá hủy đời sống con người cách khủng khiếp. Lịch sử thế giới cho thấy khi quyền bính đi tới độc đoán trở thành sự hủy diệt ghê ghớm. Các nhà và chế độ độc tài trên toàn thế giới đã để lại cho nhân loại những bài học đen tối không bao giờ bị xóa nhòa. Sự độc tài là kết quả của ảo tưởng quyền bính – thứ quyền bính bạo lực.
Như vậy, cuộc chiến hôm nay là chống lại quyền bính áp bức con người. Điều này mở rộng tới những lãnh vực công lý và hòa bình. 
Trần Văn Khuê



Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

CON NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI THOÁT BẰNG TÌNH YÊU

Lời này được lấy từ thông điệp Spe salvi, Về niềm hy vọng Ki-tô giáo (2007) của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI (số 26). Chắc hẳn đây không phải là một khẳng định mang tính chủ quan, nhưng được đúc kết từ những ghi nhận và đánh giá mang tính khách quan về các lãnh vực của đời sống xã hội : khoa học, chính trị, kinh tế. Đó là tiến trình nhận định mà Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Spe salvi, đã đi từ “Sự chuyển đổi của niềm tin hy vọng Ki-tô giáo trong thời đại mới” tới “Dung mạo đích thực của hy vọng Ki-tô giáo”.
Khẳng định này trở thành xác tín đối với chúng ta khi đọc lại những sự kiện thế giới trong những năm qua và sống kinh nghiệm niềm tin Ki-tô giáo.
Từ những sự kiện thế giới
Trước hết, đối với lãnh vực khoa học. Con người hôm nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực khoa học. Những phát minh và ứng dụng khoa học trong đời sống con người thật kỳ diệu : như khả năng trị liệu và tái tạo các chức năng cơ thể con người, cũng như những ứng dụng kỷ thuật số trong các lãnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, khoa học cũng không thể tính toán hết trước những khiếm khuyết của nó : sự hủy diệt đến từ những phát minh khoa học vượt khỏi tầm kiểm soát con người. Mặt khác, những “tác động phụ” trở nên vấn đề chính yếu mà con người phải vất vả tìm cách khắc phục : ảnh hưởng của các hóa chất, ô nhiễm môi trường …
Tiếp đến, đối với lãnh vực kinh tế. Yếu tố cốt yếu của kinh tế là hệ thống tài chính – ngân hàng. Hệ thống này cho phép nền kinh thế giới vận hành một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 - gây tác động tiêu cực trên đời sống của nhiều người cho tới hôm nay, bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng của hệ thống tài chính – ngân hàng thế giới. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực khắc phục những hậu quả của nó, nhưng xem chừng đây là công việc khó khăn và tốn kém. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy cuộc sống nhiều người vào những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Cuối cùng, đối với lãnh vực chính trị. Các nền chính trị trên thế giới đang gặp phải những vấn đề : hoặc là chính trị không thể dung hòa đời sống xã hội qua các chính sách thỏa hiệp, hoặc là những chính sách độc tài tạo nên những cơn sóng ngầm xung đột có khả năng gây phá vỡ. Đây là những điều từng xãy ra trên thế giới trong những năm qua : sự xung đột giữa các cộng đồng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau và sự sụp đổ của những chế độ độc tài.
Từ kinh nghiệm sống niềm tin Ki-tô giáo
Đối với các Ki-tô hữu, xác tín : “Con người được giải thoát bằng tình yêu” không chỉ là kinh nghiệm từ thực tế mà còn là nền tảng của đời sống đức tín. Nền tảng này phát xuất từ Thiên Chúa - Đấng mời gọi con người đi vào trong giáo ước tình yêu với Ngài. Quả thật, con người quá yếu đuối để có thể chu toàn những lề luật khác nhau một cách trọn hảo. Chỉ trong tình yêu con người mới có khả năng kiện toàn đời sống chính mình và thăng tiến đời sống người khác.
Thiên Chúa trong Đức Giê-su đã khẳng định cho con người về sự thật “con người được giải thoát bằng tình yêu”. Tình yêu ban ơn cứu độ và có sức biến đổi đời sống con người. Chúng ta bắt gặp điều này trong các câu chuyện Tin Mừng : người phụ nữ Sa-ma-ri-a, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, Phê-rô, … Ngoài ra, nơi đời sống của nhiều người khác nhau theo chiều dài lịch sử, lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi những tâm hồn để rồi những người này trở thành những gương mặt lớn lao trong lịch sử của Giáo Hội.
Mặt khác, xác tín này cũng thúc đẩy nhiều người dấn thân cho những người khác : “Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Đời sống dấn thân này chỉ có thể xuất phát từ nhận thức và xác tín : “Con người được giải thoát bằng tình yêu”.
Lời kết
Từ ban đầu chúng ta đã nói : khẳng định này được rút ra từ thông điệp Spe salvi, thông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI (sau thông điệp Deus caritas est, Thiên Chúa là tình yêu). Chúng ta biết rằng trong thông điệp thứ ba (2009), Đức Giáo Hoàng đã trở lại với vấn đề tình yêu, nhưng nhấn mạnh chiều kích tình yêu trong chân lý (Caritas in veritate). Người ta không thể yêu theo cảm tính, nhưng yêu trong sự thật. Đó là tình yêu đích thực mà qua đó con người được giải thoát.
Trần Văn Khuê, aa