Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

SA MẠC


Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay năm B mô tả cho chúng ta sa mạc mà Chúa Giê-su được Thánh Thần thúc đẩy vào trong đó. Không giống như cách trình bày của thánh Mát-thêu : Chúa Giê-su vào sa mạc để chay tịnh, hay trình bày của thánh Lu-ca : Người không ăn uống gì trong bốn mươi đêm ngày, thánh Mác-cô nói cách đơn giản : nơi đó, trong bốn mươi đêm ngày, Chúa Giê-su bị Sa tan cám dỗ. Mặt khác, khi đọc đoạn Tin Mừng này chúng ta cũng không có cảm tưởng về một sa mạc thiên nhiên, nhưng là không gian mà nơi đó xuất hiện Chúa Giê-su, thiên thần, Sa tan và thú dữ.

Trình thuật này cho chúng ta hai ý tưởng :

Ý tưởng thứ nhất : Chúa Giê-su đi vào sa mạc trong lòng thế giới tạo dựng của Thiên Chúa. Thế giới này có các thiên thần là tính chất uyên nguyên của công trình sáng tạo của Ngài, nhưng một phần đang bị Sa tan chiếm lĩnh. Hình ảnh thú dữ vừa nói lên tính hoang dã và dữ dằn do tội lỗi thống trị. Trong lòng thế giới này Thiên Chúa muốn thực hiện một cuộc tái tạo mới.

Ý tưởng thứ hai là : sa mạc mà Chúa Giê-su được Thánh Thần đưa vào chính là con người. Con người ẩn chứa tính chất « thiên thần », nhưng đồng thời bị Sa tan đánh phá làm cho trở nên « thú dữ ». Từ đây, chúng ta hiểu tạo sao Tin Mừng nhất lãm ghi lại nhiều câu chuyện Chúa Giê-su xua trừ ma quỷ và chữa lành cho người mắc bệnh thần ô uế. Đó cũng là cuộc tái tạo mới mà Chúa Giê-su muốn thực hiện, nhưng là một cuộc tái tạo của lòng thương xót vì Thiên Chúa đã ban cho con người được tự do : đưa con người bị hư mất trở về với Thiên Chúa trong sự tự do.

Ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này đưa chúng ta vào hành trình sa mạc nội tâm, trong lòng thế giới, để gặp gỡ Thiên Chúa. Một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa sẽ hoàn toàn đổi mới con người.

Pet. Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

MA QUỶ

Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật V thường niên năm B được trích từ một loạt hoạt động sứ vụ công khai đầu tiên của Chúa Giê-su tại Ga-li-lê trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Công việc của Ngài được chú trọng cách đặc biệt nơi việc rao giảng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ nơi con người. Yếu tố thứ ba này cho chúng ta cảm giác : Chúa Giê-su đang bước vào thế giới đã bị ma quỷ xâm nhập tràn lan và chiếm ngự con người. 

Ma quỷ là một thực thể được nói tới từ lâu trong Kinh Thánh – bắt đầu chương thứ nhất của sách Sáng Thế Ký. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tự hỏi : nó thực sự là cái gì ?

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô là người trong thời đại chúng ta nói nhiều về ma quỷ. Ký giả người Ý, Gelsomino Del Guercio, đăng trên trang aleteia.org bài viết : « Que pense le pape François du diable ? » (Đức giáo hoàng Phan-xi-cô nghĩ gì về ma quỷ)[1], lấy lại một số yếu tố  từ cuốn sách « Il diavolo c’è » của nhà văn người Ý Diego Manetti, tổng hợp những lần Đức Giáo Hoàng nói về ma quỷ nơi các bài giảng, giáo lý và thuyết trình. Nội dung và hình hài của ma quỷ được nhận diện như là :
1.       Kẻ mang đến điều đắng cay
Ma quỷ là hiện thân của người bi quan : gieo rắc điều đắng cay và chán nản cho mọi người và cho Giáo Hội. Trong khi đó Giáo Hội của Chúa Ki-tô luôn được Thánh Thần thánh hóa và ban sức mạnh (x. Bài huấn dụ cho các Hồng y, ngày 15 tháng 03 năm 2013).
2.       Kẻ đánh cắp niềm hy vọng
Khi con đường của chúng ta trở nên ghồ ghề và chông gai, ma quỷ đến - thường ngụy trang dưới hình dạng của thiên thần, để nói với chúng ta lời tuyệt vọng (x. Bài giảng Chúa Nhật lễ Lá, 24/03/2013).
3.       Kẻ gieo mầm lời ba hoa và mối bất hòa
Ma quỷ điến chống phá sự hợp nhất, tạo chiến tranh nội bộ - một loại nội chiến. Đó là cuộc chiến tranh không phải bằng đạn dược, mà bằng cái lưỡi con người (x. Bài giảng cho Lính gác Va-ti-căng, 28/09/2013).
4.       Quỷ khôn khéo
Ma quỷ khôn khéo đưa ra ngàn vạn chương trình phi nhân hóa (làm mất tính người) cho con người, vì tính cách của nó là thù ghét con người (x. Bài suy niệm, 29/09/2014).
5.       Kẻ quyến rũ hiểm độc
« Satan là kẻ quyến rũ, người giăng bẫy. Nó quyến rũ bằng cách làm cho người ta say mê vẻ đẹp, vẻ đẹp quỷ dữ lôi cuốn anh em vào tin tất cả. Với vẻ đẹp quyến rũ này nó biết cách bán và bán rất tốt, nhưng cuối cùng chúng ta phải trả giá đắt » (Bài giảng cho Đội hiến binh tại Va-ti-căng, 03/10/2015).
6.       Hình bóng thần ô uế
Đó là những ý nghĩ không còn muốn chiến đấu trong cuộc chiến cho điều thiện (x. Bài suy niệm, 19/01/2017).
7.       Không đối thoại
« Con rắn, quỷ dữ rất xảo quyệt : chúng ta không thể đối thoại với nó. […]. Tràn ngập những cám dỗ về sự phù vân, kiêu ngạo, hám của, hà tiện ! » (x. Bài suy niệm, 10/02/2017).
8.       Tính chất trần tục
Khi ta không còn chọn con đường của Chúa, mà là con đường của sự phù vân, trần tục (x. Bài suy niệm, 21/02/2017).
9.       Đạo đức giả và xu nịnh
Đạo đức giả được bắt đầu từ xu nịnh. Nó là kỷ thuật của kẻ đạo đức giả, nhằm đạt được mục đích riêng của mình (x. Bài suy niệm, 06/06/2017).
Như vậy, ma quỷ không phải là cái gì đó mà chúng ta mường tượng đến sợ hãi theo trí tưởng tượng, nhưng là thực tại hiện sinh giam hãm con người đến tiều tụy : không thể sống đầy đủ tính chất uyên nguyên con người. Đó là điều mà Tin Mừng cho chúng ta được biết ngang qua các câu chuyện chữa lành của Chúa Giê-su : nó làm cho con người trở nên ô uế, thích sống giữa người chết và hủy hoại chính mình. 
Pet. Trần Văn Khuê, aa