Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

NGỠ NGÀNG


Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh nói về sự ngỡ ngàng của các môn đệ Chúa Giêsu trong lúc gặp gỡ Ngài sau phục sinh. Đây là lần Chúa tỏ mình ra chung cho các môn đệ trong khi các ông đang kể về việc Chúa đã hiện ra như thế nào với những người trong số họ. Họ ngỡ ngàng vì được xem chân tay của Chúa. Từ trình thuật Tin Mừng này chúng ta có thể rút ra một vài gợi ý suy niệm.

Điều thứ nhất, việc nhận biết Đức Giêsu phục sinh không còn là chuyện cá nhân riêng tư hay riêng lẻ, mà là trong lòng của một cộng đoàn đang chia sẻ với nhau về những gì liên hệ tới con người Đức Giêsu : họ đã thuật lại việc mình nhận ra Chúa như thế nào khi Ngài bẻ bánh. Quả thật, hành vi của Đức Giêsu mà hai người môn đệ trên đường về làng Emmau gợi nhớ hình ảnh biến cố Vượt Qua mà họ vừa trải qua, nhưng đồng thời cũng nói về khung cảnh nơi đó họ nhận biết Chúa : việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa. Họ cảm nhận niềm vui và ngỡ ngàng về sự hiện diện của Ngài.

Điều thứ hai, Chúa mang đến cho con người sự ngỡ ngàng. Cuộc sống con người được đan xem bởi nhiều yếu tố vui mừng và buồn chán, xác tín và hoài nghi, mạnh mẽ và yếu đuối, thông suốt và mơ hồ…. Chúa đến và con người ngộ ra cái gì đó nơi cuộc sống vượt xa sự hiểu biết và toan tính con người. Về điểm này các nhà tư tưởng nói đó là cách mà Thiên Chúa mạc khải Ngài cho con người (cho con người được biết về Thiên Chúa). Còn về chiều kích thiêng liêng, điều này nói cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống không chỉ bao hàm các công thức tính toán, mà nó mang trong chính nó ý nghĩa huyền diệu và Thiên Chúa giúp con người nhận biết.

Hãy để cho những gì đến làm cho chúng ta ngỡ ngàng nơi cuộc sống. Đó mới là sự kỳ diệu của đời sống con người.  

Pet. Trần Văn Khuê, aa